Từ một xã ở vùng sâu, vùng xa thuộc vùng ngập lũ và nghèo nhất của huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), Hậu Mỹ Trinh (HMT) ngày nay đã thực sự thoát nghèo: Thu nhập bình quân mỗi người dân là 8 triệu đồng/ năm. Hậu Mỹ Trinh phấn đấu đến năm 2010, sẽ nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 10 triệu đồng/ năm.
Không phải tự dưng, Hậu Mỹ Trinh thoát được cuộc sống nghèo nàn và người dân có cuộc sống khấm khá được như ngày hôm nay, bởi lẽ, điểm xuất phát của Hậu Mỹ Trinh là con số không. Trước năm 1975, Hậu Mỹ Trinh là vùng căn cứ kháng chiến của cách mạng. Do đó, đồng đất nơi đây bị cày đi xới lại nhiều lần bởi nhiều bom đạn, nhưng người dân địa phương vẫn kiên trì bám trụ, anh dũng chiến đấu, chịu nhiều hi sinh mất mát, đời sống của người dân vẫn luôn cơ cực, một phần là do hậu quả của chiến tranh để lại, một phần là do xã HMT nằm trong vùng ngập lũ, quanh năm suốt tháng luôn đối mặt với cái nghèo, cái đói. Đảng bộ, chính quyền xã HMT đã không chịu thua, tiếp tục động viên cư dân địa phương phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, mày mò tìm hướng đi phù hợp trong sản xuất nông nghiệp sao cho có thể nhanh chóng thoát khỏi cảnh đói nghèo. HMT lại phải tiếp tục đi tìm giải pháp chuyển đổi giống lúa có chất lượng kém sang loại giống lúa có năng suất cao và phù hợp với điều kiện, đặc điểm thổ nhưỡng địa phương. Đây là chuyện làm không dễ chút nào. Đảng bộ xã HMT đã họp, phân công cán bộ, đảng viên đi tham quan, khảo sát một số chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đạt hiệu quả cao như: trồng lúa thơm, trồng nấm... ở tỉnh Đồng Tháp hoặc ở các HTX nông nghiệp trong tỉnh Tiền Giang. Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng tỉnh, huyện, HMT đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về việc trồng cây lúa thơm Jasmine 85, ST3, IR 64...Từ đó, Đảng ủy xã HMT có nghị quyết 15 về việc quyết định đưa vào sản xuất cây lúa thơm trên địa bàn, trước mắt giao cho HTX nông nghiệp và nội bộ cán bộ, nhân viên trong xã trồng thí điểm 300 ha trong vụ đông xuân đã cho năng suất bình quân lên đến 7 tấn/ha, cao gấp hơn 2 lần so với giống lúa cũ của địa phương. Nhờ vậy, từ chỗ xã có 300 ha lúa thơm ban đầu đến nay, diện tích trồng lúa thơm đã lên đến trên 2.000 ha, góp phần tích cực vào việc cải thiện, nâng cao đời sống của người dân nơi đây. Cây lúa thơm đã thực sự làm đổi đời người dân HMT!
Hạ tuần tháng tư, có dịp về xã vùng lũ HMT, chúng tôi ghi nhận sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất chịu nhiều đau khổ do chiến tranh ác liệt cách nay hơn 33 năm. Con đường về xã HMT hôm nay không còn là con đường đất, mà nay đã trở thành con đường bê tông nhựa – con đường ngăn lũ kiên cố được Nhà nước xây dựng nối liền Quốc lộ 1A vào các xã Hậu Thành, Hậu Mỹ Phú, Hậu Mỹ Trinh và Hậu Mỹ Bắc. Cư dân HMT bây giờ không còn sợ lũ gây thiệt hại hoa màu, mà họ đã sẵn sàng "sống chung với lũ", tận dụng nước lũ về để tăng thêm độ màu mỡ, phì nhiêu của phù sa, đồng thời từ nước lũ, họ cũng có thể tăng thêm thu nhập cho cuộc sống của mình qua việc nuôi cá. Chủ tịch UBND xã HMT – ông Trương Văn Thắm bày tỏ: HMT hiện có trên 300 nông dân sản xuất giỏi ở ba cấp. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 8 triệu đồng/ năm, trong đó, có khoảng 10% hộ dân đã đạt mức thu nhập 50 triệu đồng/ ha/ năm.
Từ việc thoát nghèo của HMT cho thấy: Chính nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng ủy xã khi xác định thế đi lên từ cây lúa thơm, cộng với quan tâm hỗ trợ của các ngành chức năng, các cấp chính quyền từ tỉnh xuống huyện, xã trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, đã tạo nên an sinh xã hội ở làng xã, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống.