00:00 Số lượt truy cập: 3229545

Xây dựng thương hiệu trái cây - hướng mở cho các nhà vườn 

Được đăng : 03/11/2016
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thị trường xuất khẩu các loại quả tươi có nguồn gốc nhiệt đới khá lớn, song phải cạnh tranh quyết liệt với trái cây của các quốc gia khác trong khu vực và đặc biệt phải có giấy chứng nhận chất lượng và đăng ký nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nơi nhập khẩu. Bên cạnh đó, trái cây xuất khẩu phải có số lượng lớn, song hiện nay đa số nông dân còn sản xuất nhỏ lẻ, chưa phát triển được rộng rãi hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh theo hướng trang trại, HTX, tạo mối liên kết đồng bộ giữa sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Đây là những rào cản buộc các nhà vườn phải vượt qua để trái cây Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường trong nước và rộng đường xuất khẩu.

Tỉnh Đồng Nai có gần 48.000 ha cây ăn trái, trong đó có nhiều loại được coi là đặc sản như xoài, bưởi, quýt, chôm chôm, sầu riêng... Mỗi năm các nhà vườn trong tỉnh cung ứng ra thị trường gần 500.000 tấn trái cây các loại, song chủ yếu bán cho thương lái đem đi tiêu thụ trong nước, chỉ một số ít vào được hệ thống siêu thị hoặc xuất khẩu. Do đó, giá bán của các loại trái cây bấp bênh, thường rơi vào cảnh được mùa rớt giá.

Nguyên nhân khiến trái cây của Đồng Nai khó vào được hệ thống siêu thị hoặc xuất khẩu là do sản xuất chưa đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và chưa xây dựng được thương hiệu. Mặc dù nhiều trang trại, HTX có diện tích cây ăn trái lớn, song muốn xây dựng được thương hiệu người sản xuất phải có giấy chứng nhận GAP, thực hiện các yêu cầu gắt gao về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phải bỏ ra một khoản tiền lớn từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng để đầu tư nhà xưởng, dụng cụ phục vụ cho sản xuất và chi phí thuê đơn vị kiểm tra để được cấp chứng nhận. Đây chính là rào cản lớn nhất đối với các trang trại, HTX có hướng tổ chức sản xuất theo quy trình GAP.

Ông Trịnh Đình Quang, Chủ nhiệm HTX sản xuất và kinh doanh trái cây an toàn huyện Định Quán, cho biết: HTX có 54 xã viên với diện tích xoài lên đến 130 ha. Hiện nhiều khâu trong sản xuất trái cây đã được xã viên sản xuất theo quy trình GAP. Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu thì còn cả một chặng đường dài. Vừa qua, HTX có đề nghị tỉnh hướng dẫn kỹ thuật để có chứng nhận VietGap và hỗ trợ xây dựng thương hiệu vì nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực từ xã viên đóng góp để làm thương hiệu thì không nổi.

Ông Cao Hiền Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, cũng cho biết: xã đã hình thành các vùng chuyên canh xoài với diện tích gần 800 ha. Cây xoài hợp thổ nhưỡng, đạt năng suất cao và dự kiến vài năm nữa diện tích có thể tăng lên hàng nghìn héc ta. Vì vậy, xã đã đề nghị huyện, tỉnh hỗ trợ sản xuất theo quy trình GAP và xây dựng thương hiệu để hướng đến xuất khẩu, ổn định đầu ra và giá bán.

Hiện Đồng Nai đang hỗ trợ 2 đơn vị là HTX xoài Suối Lớn ở huyện Xuân Lộc và HTX bưởi Tân Triều ở huyện Vĩnh Cửu xây dựng chương trình VietGAP, GlobalGAP cho trái cây. Riêng HTX xoài Suối Lớn đã nhận được chứng chỉ VietGAP nên đầu ra khá thuận lợi. Ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm HTX xoài Suối Lớn, cho biết: thương hiệu xoài Suối Lớn hiện nay được thị trường đánh giá cao, đa số được xuất khẩu sang Trung Quốc với giá cao hơn bán trong nước và đầu ra rất ổn định. Nhờ đó các xã viên trong HTX đã có mức thu nhập trung bình 100 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. Tuy nhiên để giữ được thương hiệu không dễ. Ngoài đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, HTX phải có nguồn kinh phí đủ mạnh để tiếp tục xin cấp giấy chứng nhận, bởi chứng chỉ VietGAP, GlobalGAP chỉ có thời hạn hơn 1 năm kể từ ngày cấp. Do đó sau hơn 1 năm các cơ sở phải tiếp tục xin cấp lại. Đây là khó khăn khá lớn để các HTX duy trì thương hiệu của mình.

Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, nhận định: hiện chưa có HTX, CLB trái cây trong tỉnh đủ khả năng về kỹ thuật và kinh phí để tự xin cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Vì vậy, trái cây Đồng Nai muốn có thương hiệu phải được hỗ trợ cả về kỹ thuật lẫn kinh phí. Thực tế, trong 2 năm 2008-2009, nhiều đối tác của thị trường Mỹ đã đặt hàng 2 loại trái cây của Đồng Nai là chôm chôm và sầu riêng với giá khá cao. Thế nhưng, chỉ có sầu riêng xuất khẩu được với số lượng nhỏ, chủ yếu để giới thiệu sản phẩm, còn chôm chôm đành phải từ chối vì chưa có chứng nhận GlobalGAP.

Một tỉnh có nhiều trái cây đặc sản với diện tích sầu riêng hơn 4.000 ha, chôm chôm gần 12.000 ha, xoài trên 7.000 ha, bưởi hơn 1.000 ha và quýt trên 3.000 ha nhưng phần lớn sản phẩm mới chỉ tiêu thụ theo dạng bán lẻ mà chưa đẩy mạnh được xuất khẩu chính là một lợi thế đang bị bỏ ngỏ của Đồng Nai. Để trái cây Đồng Nai có thị trường tiêu thụ rộng rãi và ổn định, từ nay đến năm 2015, tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ hỗ trợ 6 hợp tác xã (HTX), câu lạc bộ (CLB) xây dựng thương hiệu quốc gia cho 5 loại trái cây là xoài Xuân Hưng, chôm chôm Xuân Định (huyện Xuân Lộc), xoài La Ngà (huyện Định Quán), bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu), sầu riêng (thị xã Long Khánh) và mãng cầu xiêm (huyện Cẩm Mỹ). Cùng với việc xây dựng thương hiệu, các nhà vườn cần liên kết hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái để có cùng một quy trình sản xuất cho chất lượng đồng đều nhằm cung ứng trái cây có chất lượng tốt, sản lượng ổn định và uy tín trên thị trường.