00:00 Số lượt truy cập: 3229068

Xây dựng thương hiệu trái cây Vĩnh Long 

Được đăng : 03/11/2016
Ðể nâng cao giá trị kinh tế cho cây trồng, tỉnh Vĩnh Long quan tâm xây dựng thương hiệu cho một số loại trái cây đặc sản, thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, trong thực tế, việc làm này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Làm cách nào để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của trái cây Vĩnh Long gắn với phát triển bền vững và xây dựng thương hiệu hàng hóa để vươn ra thị trường thế giới là bài toán vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

 

Thương lái thu mua bưởi Năm Roi Bình Minh.  

Tiềm năng lớn nhưng chưa bền vững

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Vĩnh Long cho biết, toàn tỉnh có gần 43 nghìn ha trồng cây ăn trái, cho sản lượng hằng năm hơn 350 nghìn tấn quả. Trong đó, chủ yếu là các loại cam sành, bưởi, măng cụt, nhãn, chôm chôm... Nổi tiếng nhất phải kể đến bưởi Năm Roi được trồng tập trung tại huyện Bình Minh với diện tích gần bốn nghìn ha. Còn cam sành được trồng nhiều nhất tại huyện Tam Bình. Theo đánh giá, Vĩnh Long có tiềm năng lớn về kinh tế vườn do diện tích vườn cây ăn trái lớn, đa dạng chủng loại. Tuy nhiên, thời gian qua việc phát triển và khai thác tiềm năng, lợi thế đó vẫn chưa được như mong đợi. Nguyên nhân chính là do người dân trồng vườn theo kiểu tự phát, manh mún. Do vậy, trái cây của nhà vườn Vĩnh Long dù thơm ngon nhưng vẫn khó vươn ra cạnh tranh được ngay ở thị trường trong nước.

Ðến thăm các vườn cây ăn trái ở các huyện Long Hồ, Tam Bình, Trà Ôn, Bình Minh những ngày này, nhiều khu vườn cây trái chín rục trên cành, thối, rụng tả tơi dưới gốc, kín cả lối đi. Ông Lê Văn Thái, ở xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ cho biết, năm công đất vườn được trồng chôm chôm xen với nhãn. Ðầu mùa cây trổ bông, đậu trái thấy mê nhưng đùng một cái toàn bộ đám nhãn bị bệnh chổi rồng. Một số thì chết, số thì bị chặt bỏ vì sợ bệnh lây lan, số còn lại có trái chiếm không tới 20%, coi như mất trắng. Vậy là chỉ hy vọng vào chôm chôm để gỡ gạc. Trúng mùa, cả vườn chôm chôm chín đỏ nên ông Thái mừng ra mặt. Không ngờ tới kỳ thu hoạch, giá chôm chôm rớt thê thảm, ông vội chạy kiếm thương lái nhưng cũng không ai chịu mua. Ðến lúc chôm chôm chín trên cây, hư hỏng một số thì mới có thương lái chịu mua nhưng giá bán chỉ từ 1.700 đến 2.000 đồng/kg. "Số tiền bán chôm chôm chưa đủ trả tiền bón phân, phun thuốc trừ sâu, công lao chăm sóc mùa này coi như bỏ. Bao nhiêu năm mới được trúng mùa chôm chôm, không ngờ lại lỗ nặng hơn những mùa thất bát", ông Thái buồn rầu tâm sự.

Không riêng chôm chôm, các loại trái cây khác như cam sành, bưởi năm nay cũng bị rớt giá. Năm nay, người trồng bưởi ở xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh cũng than rát ruột. Các chủ vườn cho biết, nơi đây có diện tích trồng bưởi, nhất là bưởi Năm Roi lớn nhất trong huyện nhưng những năm gần đây đầu ra hết sức bấp bênh. Hiện giá bưởi Năm Roi loại 1 (trọng lượng từ 1 - 1,2 kg/trái) chỉ khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg, giảm phân nửa so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái. Các loại bưởi Năm Roi không đạt tiêu chuẩn đều bị thành hàng dạt và giá còn thảm hại hơn, chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Mặt khác nếu như trước đây bưởi Năm Roi được thu mua xuất khẩu với giá cao (hơn giá thị trường 2.000 đồng/kg) thì hiện nay đặc sản này bị cào bằng giá mua như các loại bưởi khác.

Cần gắn kết nhà vườn và doanh nghiệp

Theo Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Vĩnh Long Phan Nhựt Ái, hiện chưa hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái lớn. Một số vùng chuyên canh quy mô nhỏ và vừa đã hình thành nhưng chất lượng không đồng đều, thiếu ổn định. Phần lớn sản xuất tự phát theo quy mô hộ gia đình. Sản xuất chưa kết hợp chặt với tiêu thụ nên đến mùa là dội chợ, đầu ra gặp khó khăn. Chính từ quy mô hạn chế, dạng kinh tế hộ nên sản lượng lúc thừa lúc thiếu. Ðể nâng cao giá trị và hiệu quả cho kinh tế vườn, tỉnh Vĩnh Long rất quan tâm việc xây dựng thương hiệu cho một số loại trái cây đặc sản, thế mạnh của địa phương. Trước đây một số loại trái cây của tỉnh đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa như: Cam sành Tam Bình, bưởi Năm Roi Bình Minh. Song do nhiều lý do, một số nhãn hiệu không được giữ vững. Như Cam sành Tam Bình hiện chỉ còn là thương hiệu địa phương. Còn bưởi Năm Roi Bình Minh trước đây được hai đơn vị là Hợp tác xã bưởi Năm Roi Mỹ Hòa và Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Gia đăng ký chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Từ khi có thương hiệu, bưởi Năm Roi được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, nâng cao giá trị cho loại trái cây này và nhà vườn cũng được hưởng lợi đáng kể. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, hoạt động của Hợp tác xã bưởi Năm Roi Mỹ Hòa hiện không còn hiệu quả. Nguyên nhân chính là đơn vị này không đủ kinh phí để được tái đánh giá, chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Hiện chỉ còn doanh nghiệp tư nhân Hoàng Gia là đơn vị duy nhất trong tỉnh sở hữu thương hiệu quốc tế bưởi Năm Roi Bình Minh. Ðơn vị này tập trung phát triển vùng nguyên liệu bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Mỗi năm bưởi Năm Roi Bình Minh được doanh nghiệp tư nhân Hoàng Gia xuất khẩu hàng nghìn tấn vào các thị trường Mỹ, châu Âu thu về lượng lớn ngoại tệ.

Hiện Vĩnh Long đang xúc tiến xây dựng thương hiệu chôm chôm Tức Khánh, xã Tức Thiện, huyện Trà Ôn. Một trong những vấn đề tiên quyết là phải xây dựng được vùng chuyên canh nguyên liệu trái cây với quy mô lớn theo tiêu chuẩn GlobalGAP để đáp ứng nguồn cung hàng hóa cho xuất khẩu. Song việc xây dựng những khu vườn kiểu mẫu theo tiêu chuẩn trên chẳng dễ dàng gì. Nhất là kinh phí để được đánh giá, thẩm định và công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP từ 300 đến 400 triệu đồng/lần/năm. Vì thế, các nhà vườn sản xuất quy mô diện tích nhỏ không kham nổi khoản kinh phí này. Từ cách làm hiệu quả của doanh nghiệp tư nhân Hoàng Gia, ngành nông nghiệp Vĩnh Long cho rằng, chỉ cần "hai nhà" là nhà vườn và nhà doanh nghiệp bắt tay, gắn kết với nhau sẽ có những chuyển biến tích cực. Vì thực tế trong liên kết "bốn nhà" thì vai trò của Nhà nước và nhà khoa học vẫn chỉ là trung gian, cầu nối. Còn nhà vườn và doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết về quyền lợi. Có như vậy sẽ tạo được đầu ra vững chắc cho trái cây. Ðồng chí Phan Nhựt Ái khẳng định: Chúng tôi rất quan tâm việc xây dựng thương hiệu trái cây cho tỉnh, nên mong muốn có nhiều doanh nghiệp lớn mạnh và tâm huyết như Hoàng Gia để thương hiệu trái cây Vĩnh Long vươn ra thị trường thế giới. Ðịa phương luôn tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó đầu tàu là ngành nông nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ kinh phí công nhận lần đầu nếu cần thiết.