Mới đây, Công ty TNHH Hương Cảnh (Công ty Hương Cảnh) đã mạnh dạn đầu tư trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại vùng rau Văn Đức (Gia Lâm - Hà Nội). Người trồng rau nơi đây kỳ vọng dự án này sẽ giúp họ bước vào con đường sản xuất chuyên nghiệp và hơn hết, rau Văn Đức sẽ xây dựng được thương hiệu. Tuy nhiên, những khó khăn trong thực tiễn triển khai khiến nhiều người không khỏi băn khoăn...
Mô hình sản xuất bền vững
Văn Đức vốn nổi tiếng là vùng trồng rau lớn của Hà Nội, mỗi ngày cung cấp cho thị trường trên dưới 50 tấn rau các loại. Tuy nhiên, dù đã trồng rau hàng chục năm với diện tích lên tới 286ha, song rau Văn Đức vẫn chưa có thương hiệu.
Trước thực tế này, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, UBND xã Văn Đức và Công ty TNHH Hương Cảnh đã tổ chức thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ rau. Theo đó, Công ty Hương Cảnh chịu trách nhiệm cung ứng vật tư, phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học cho nông dân, xây dựng nhà sơ chế RAT và đặc biệt là bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường... Riêng phân hữu cơ của Công ty Hương Cảnh bán cho nông dân có giá xấp xỉ 3.000 đồng/kg. Theo lãnh đạo Công ty, bón loại phân này năng suất các loại rau, củ, quả sẽ tăng 1,5 lần, chi phí sản xuất chỉ bằng một nửa so với cách thâm canh truyền thống.
![]() |
Xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn ở Hà Nội: Hành trình ì ạch! |
Sản phẩm RAT được Công ty Hương Cảnh thu mua 100% theo giá thoả thuận trong hợp đồng (từ 3.000-5.000 đồng/kg tuỳ loại). Vào thời điểm giá thị trường tăng, Công ty thu mua 50% theo giá thoả thuận, 50% theo giá thị trường.
Ông Nguyễn Văn Tuân ở thôn Trung Quan (xã Văn Đức) cho biết: “Lâu nay, chúng tôi vẫn được Chi cục Bảo vệ thực vật tập huấn kỹ thuật trồng RAT. Vì thế, khi thực hiện dự án trồng theo tiêu chuẩn VietGap của Công ty Hương Cảnh, chúng tôi không gặp khó khăn gì. Chúng tôi rất mừng vì từ nay sẽ không phải lo lắng về đầu ra cho rau nữa”.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Đức cho hay: “Khi ký kết hợp đồng, chúng tôi đã quy định rất rõ trách nhiệm của các bên. Theo đó, Công ty Hương Cảnh ngoài nhiệm vụ cung cấp phân bón, quy trình kỹ thuật, sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Đây là công ty đã rất thành công ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, vì vậy bà con có thể hoàn toàn yên tâm. Hiện xã đã có 200/286ha sản xuất RAT, trong đó 20ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nếu trước đây, sản xuất và tiêu thụ không theo một quy trình thì nay, việc làm ăn của bà con đã chuyên nghiệp hơn”.
Chia sẻ với chúng tôi về những dự định của mình, ông Nguyễn Văn Toản, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội (Công ty Hương Cảnh) cho biết, thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, dự kiến năng suất bình quân đạt 90-100 tấn/ha/năm, sản lượng 26.000-28.500 tấn/năm (75-80 tấn/ngày). Công ty đã đầu tư 7 tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế trên 2.200m2, công suất 150 -200 tấn/ngày đêm. Dự kiến mô hình sẽ sản xuất 35-40 chủng loại rau nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Trong đó, nhóm rau ăn lá chiếm 60%, nhóm rau củ quả 30%, rau gia vị 10%.
Sự ra đời của mô hình liên kết này không chỉ khiến người trồng rau vui mừng, mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho nghề trồng rau mà còn được các cấp, nhà quản lý quan tâm, ủng hộ. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) khẳng định: “Mô hình sản xuất - sơ chế - tiêu thụ rau an toàn khép kín của Công ty Hương Cảnh tại xã Văn Đức đã khẳng định hướng đi đúng, là mô hình sản xuất bền vững, chất lượng cao cần được khuyến khích, mở rộng. Đây cũng là mô hình điểm về sản xuất vùng sản xuất RAT của Hà Nội nên rất cần sự ủng hộ của các cấp chính quyền. Đến nay, Hà Nội đã có hơn 10 năm phát triển RAT nhưng vẫn chưa thiết lập được quy trình khép kín trong sản xuất và tiêu thụ để đưa RAT đến với rộng rãi người tiêu dùng. Vì vậy, sự hợp tác này rất đáng trân trọng”.
Vừa làm, vừa ngóng
Mặc dù sự hợp tác này hứa hẹn mang lại nhiều kết quả, song theo tìm hiểu của chúng tôi, người trồng rau ở Văn Đức lại không mấy mặn mà, số hộ tham gia ký kết hợp đồng với Công ty Hương Cảnh chỉ khoảng 200 hộ.
Chị Trần Thị Thuận ở xóm 7A cho biết, gia đình chị có 7 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) đất chuyên trồng rau, thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/sào. Theo chị Thuận, trồng rau giống như đánh bạc với trời, mọi công đoạn từ sản xuất đến thị trường đều phụ thuộc vào thời tiết, dịch bệnh... Nếu không gặp may, toàn bộ vốn liếng và công sức phải đổ đi. Chính vì thế, khi biết Công ty Hương Cảnh ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với bà con, chị là một trong những hộ tham gia sớm nhất. Tuy nhiên, chị chỉ dám ký hợp đồng trồng 1,4 sào cà pháo. “Cái được của cách làm này chính là chúng tôi được Công ty bán phân bón trả chậm, sau đó trừ vào số tiền bán rau. Tuy nhiên, Công ty thu mua với số lượng rất ít và giá lại thấp hơn thị trường 1.000-2.000 đồng/kg. Đó là chưa kể tới quy trình sản xuất nghiêm ngặt”, chị Thuận nói.
Chắc chắn hơn chị Thuận, anh Phúc Văn Thế ở thôn 1 khẳng định, mặc dù đã được vận động, tuyên truyền nhưng anh nhất quyết không tham gia vào mô hình này. Lý do theo anh rất đơn giản, bán hàng cho Công ty Hương Cảnh phải mất 10-15 ngày mới được trả tiền, còn bán cho thương lái hoặc trực tiếp mang ra chợ lại có ngay tiền mặt. Hơn nữa, hiện nay việc vận chuyển, buôn bán rau rất thuận tiện, cứ đến vụ, rau của gia đình anh đều có thương lái đến mua trực tiếp.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Toản cho rằng: “Định hướng và sự phát triển của Công ty cần phải có lộ trình, chúng tôi xác định phương châm làm đâu chắc đấy. Công ty mới vào thị trường được một thời gian ngắn nên không thể thu mua hết 100% sản lượng rau của bà con. Đầu tư vào nông nghiệp là việc làm mạo hiểm, vì thế rất cần sự hỗ trợ của thành phố về vốn cũng như phương tiện vận chuyển. Có như vậy, việc bao tiêu sản phẩm cho nông dân mới thuận lợi”.
Cũng theo ông Toản, hiện mỗi ngày Công ty cung cấp cho thị trường 1,5 -2 tấn rau và đang bán ở các cửa hàng trong chuỗi siêu thị Hapro, Fivimart và 3 cửa hàng ở quận Hà Đông (118 đường Tô Hiệu, 37 Bà Triệu, B28 - TT9 Khu đô thị Văn Quán). Tới đây, Công ty sẽ đẩy mạnh việc bán rau ở siêu thị Metro, CoopMart và nhiều bếp ăn tập thể trên địa bàn Hà Nội, vì thế lượng tiêu thụ sẽ tăng lên. “Và khi đã xây dựng được thương hiệu, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc tiêu thụ lên 3-4 lần so với hiện nay”, ông Toản khẳng định.
Trong khi việc sản xuất RAT của Hà Nội đang đi vào bế tắc thì mô hình liên kết giữa Công ty Hương Cảnh với vùng trồng rau Văn Đức được xem là hướng mở, là niềm hy vọng cho cả người tiêu dùng và người sản xuất. Nhưng xem ra, mối làm ăn này cũng không hề dễ dàng nếu như cơ chế ràng buộc chưa rõ ràng và ngành chức năng chưa vào cuộc bằng những hỗ trợ cụ thể. Theo mục tiêu Đề án phát triển vùng chuyên canh sản xuất RAT, đến năm 2010, diện tích RAT trên toàn thành phố Hà Nội là 2.400-2.500ha, đến năm 2015 đạt 5.000- 5.500ha. Tuy nhiên, tính đến tháng 8/2010, thành phố mới có 16 dự án xây dựng vùng RAT tập trung đang trình các sở và UBND thành phố với tổng diện tích 1.925ha, trong đó có 3 dự án với 187ha được thành phố phê duyệt, 6 dự án khác tại huyện Đông Anh đã trình các ngành và thành phố, song do vướng mắc về quy hoạch khác nên phải dừng lại. Đến thời điểm này, các dự án RAT mới chỉ dừng lại ở khâu xây dựng cơ sở hạ tầng. Còn về hình thức tổ chức, giám sát quy trình sản xuất, lợi ích của người dân và xã hội chưa được quan tâm. Việc các dự án xây dựng vùng RAT đang ì ạch chủ yếu là do các địa phương còn lúng túng trong việc thẩm định, phê duyệt dự án. Trước tình hình trên, UBND TP.Hà Nội yêu cầu trong thời gian tới, mỗi huyện phải chọn ít nhất 1 dự án để thực hiện.