Xây nhà “dụ” chim yến...
Cứ vào sáng sớm hay chiều tối ở TX Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang), xã Long Bình, thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang), huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau)..., đàn chim kéo về bay lượn rợp cả trời. Trong số này, ngoài chim én, loài chim báo hiệu điều tốt lành, đặc biệt là khi giao mùa xuân về, còn có loài chim yến cho tổ yến có giá trị kinh tế cao.
Theo anh Trần Thanh Phong, ở TX Bạc Liêu, khoảng năm 2004, một đàn yến không rõ từ đâu bay về cư ngụ trên nóc nhà của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu. Ban đầu, chỉ có vài chục cá thể, đến nay đã tăng lên hàng ngàn con yến trú ngụ, làm tổ không đếm xuể. Tại TP Rạch Giá, chim yến xuất hiện mỗi năm một nhiều kể từ sau bão số 5 (vào năm 1997). Điểm tập kết đầu tiên của loài chim này là Trung tâm Văn hóa tỉnh. Ban đầu, nhiều người nghĩ, do sự thay đổi của khí hậu, chim yến chỉ về đất liền trong thời gian ngắn rồi đi. Nhưng những năm sau đó, chim yến xuất hiện với mật độ dày hơn. Khuôn viên trần Trung tâm Văn hóa tỉnh... quá tải, chúng di tản sang các nhà dân lân cận. Còn ở Hà Tiên, dọc đường Trần Hầu và một số đường lân cận, chim yến cư ngụ trong nhà dân rất nhiều.
![]() |
Nhà nuôi yến ở thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: THÀNH NHÂN |
Nuôi chim yến có giá trị kinh tế cao, nhưng...
Theo ngành hữu quan, vùng đất nam đèo Hải Vân trở vào Nam có khí hậu ấm, rất thích hợp cho loài chim yến làm tổ và phát triển. Nghề nuôi yến trong nhà phát triển tại các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Thời gian gần đây, nghề nuôi này phát triển mạnh đến các tỉnh miền Tây Nam bộ, như: Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Ước tính, hiện có khoảng 300-400 nhà nuôi yến lấy tổ tính từ Đà Nẵng đến Kiên Giang. Theo thông tin từ Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, một căn nhà nuôi chim yến phải có từ 300 con chim trở lên và phải mất 2-3 năm sau khi nhà nuôi chim đi vào hoạt động mới có thể đánh giá mức độ thành công. Chim yến tiết nước bọt và kéo thành sợi nhỏ cuộn lại làm tổ, trông như vỏ sò. Tổ yến còn được gọi là yến sào, có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, khi yến tiết nước bọt có máu tạo ra tổ màu hồng, giá trị cao hơn tổ yến thường gấp nhiều lần. Theo tính toán chung, 1.000 con yến có thể làm 400 tổ/mùa, nhưng mỗi tổ chỉ được 10 gam yến sào.
Theo kinh nghiệm của ông Lê Danh Hoàng, người khai thác thành công tiềm năng nghề nuôi chim yến ở Việt Nam với thương hiệu Hoàng Yến Eka: Một nhà yến thành công, bình quân 6m2 thu hoạch được khoảng 1 kg tổ/năm. Nhà 300m2 trên lý thuyết có thể đạt được 50 kg tổ yến/năm, nhưng thường khoảng 10 năm sau mới có thể đạt được mức này. Nhưng nếu trong 2-3 năm đầu, mỗi tháng thu hoạch được khoảng 2 kg tổ yến là đã thành công. Để có được mức đó, đàn chim trong nhà phải đạt khoảng 2.500 con chim yến. Giá thị trường hiện khoảng 38 triệu đồng/kg yến sào, 22-26 triệu đồng/kg tổ thô... Tuy nhiên, ông Hoàng cảnh báo đã có nhiều cuộc chuyển giao công nghệ ở nhiều địa phương là để phát triển nghề nuôi chim yến nhưng nhiều trường hợp xây nhà dụ yến về làm tổ rồi đóng cửa bỏ đó vì số lượng không đạt, nếu tiếp tục duy trì sẽ lỗ nặng.
Thị trường thế giới cần trên 200 tấn tổ yến/năm. Nghề nuôi yến trong nhà đã phát triển tại một số nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, sản lượng tổ yến đạt khoảng 3,5-4 tấn/năm. Indonesia là nước sản xuất tổ yến nhiều nhất thế giới, chiếm 60% sản lượng, tương đương 100 tấn tổ yến/năm. Đứng thứ hai là Thái Lan, chiếm 20% sản lượng thế giới. |