00:00 Số lượt truy cập: 2692096

Xuất hiện nhiều cánh đồng triệu phú 

Được đăng : 03/11/2016

Hiện nay, với cách canh tác hợp lý, hiệu quả và đặc biệt khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, ngày càng nhiều cánh đồng cho thu nhập cả trăm triệu/ha xuất hiện tại các địa phương.


Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về việc xây dựng 30 xã điểm nông thôn mới từ nay đến 2015, ngoài việc rà soát, lập quy hoạch xây dựng, huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Tháp tập trung nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả thiết thực, nhất là các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

Xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại là bước đi mà tỉnh Đồng Tháp đang hướng đến.

Từ vụ Đông xuân 2008-2009 đến nay, Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện thành công nhiều mô hình cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại như ở Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Tân Cường, xã Phú Cường (huyện Tam Nông); HTX Thắng Lợi xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười); Đoàn kinh tế quốc phòng 959 (huyện Tân Hồng) và HTX dịch vụ nông nghiệp số 1 Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự).

Mô hình có tổng diện tích thực hiện 894ha, với 594 hộ tham gia. Qua thực hiện mô hình cho thấy, lượng giống gieo sạ giảm, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm, giá thành sản xuất thấp, năng suất đạt trên 7 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn so với sản xuất bình thường. Điển hình như mô hình ở huyện Tháp Mười, lượng giống gieo sạ bình quân 125kg/ha, tiết kiệm bình quân 60kg/ha/vụ.

Phân bón giảm bình quân 15kg/ha, tương đương số tiền 247.700 đồng/ha. Giá thành sản xuất trong cánh đồng 2.380 đồng/kg, thấp hơn sản xuất thường gần 300 đồng/kg, năng suất đạt 7,2 tấn/ha, lợi nhuận bình quân trong cánh đồng trên 23 triệu đồng/ha.

Bây giờ, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) có những bước đột phá trong phát triển kinh tế bằng việc tạo ra những cánh đồng giá trị kinh tế cao.

Từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, HĐND xã Vĩnh Kim đã đề ra chỉ tiêu về việc xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng trở lên/ha/năm.

Nhờ việc chỉ đạo sâu sát, tại xã đã phát triển được nhiều mô hình xen canh cho thu nhập cao như: ném xen lạc thu nhập trung bình đạt 140 triệu đồng/ha; ném xen ngô gối lạc cho thu nhập 136 triệu đồng/ha; khoai thơm hoặc từ, tía gối cải củ hoặc rau gối lạc Đông - Xuân cho thu nhập 132,8 triệu đồng/ha.

Nhiều hộ có khả năng đầu tư thâm canh cao, đem lại thu nhập bình quân trên tổng diện tích của hộ đạt trên 100 triệu đồng/ha.

Nhờ làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng sản xuất nên mô hình cánh đồng 50 triệu đồng trở lên/ha phát triển ngày càng mạnh mẽ, đã thực sự trở thành phong trào thi đua giữa các hộ gia đình. Năm 2006, cánh đồng 50 triệu đồng trở lên/ha toàn xã chỉ đạt 20% diện tích, nhưng đến nay đã đạt trên 56% diện tích (tương đương với trên 330 ha), trong đó diện tích đạt 100 triệu đồng trở lên/ha chiếm 20% tổng diện tích và được cân đối cụ thể ngay trong từng hộ gia đình.

Chỉ sau 4 năm thực hiện “Liên kết giữa 4 nhà“, bộ mặt nông thôn vùng kênh bê tông nổi ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) đã thật sự thay da, đổi thịt.

Vùng kênh bê tông nổi ấp Cầu Tre không còn là vùng đất khó, nay đã trở thành “ Cánh đồng triệu phú”. Bởi 126 hộ dân, đa phần là đông bào dân tộc Khmer nơi đây đã làm nên điều kỳ diệu, đưa năng suất lúa từ 3- 4 tấn/ha/vụ nay tăng vọt lên 8- 9 tấn/ha/vụ. Trong khi đó, cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang giúp họ tiết kiệm được khoảng 30- 40% chi phí sản xuất, khiến nhiều hộ đã trở thành triệu phú”.

Cũng như một số địa phương khác, An Giang đã vượt ngưỡng "cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm".

Đạt hiệu quả khả quan là nhờ nông dân đã tuân thủ triệt để các khuyến cáo của ngành nông nghiệp về lịch xuống giống né rầy, sử dụng 80% giống lúa xác nhận, giống chất lượng cao cho năng suất vượt trội, lúa dễ trồng, ít sâu bệnh, đồng thời còn áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng.

Theo ông Đỗ Vũ Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, năm 2010 sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt thắng lợi cao nhất từ trước đến nay về diện tích, năng suất và sản lượng kéo theo giá trị sản xuất đạt 75,62 triệu đồng/ha, tăng 2 triệu đồng/ha so năm 2009 và đạt 108% so kế họach.

Do giá các loại cây màu liên tục đứng ở mức cao, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đang nhân rộng các mô hình trồng màu trên đất ruộng cho thu nhập cao, góp phần thúc đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất.

Đó là mô hình trồng củ đậu (củ sắn) của huyện Trà Ôn trên 171ha với năng suất bình quân 100 tấn/ha, thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm; mô hình luân canh lúa - khoai lang, lúa - khoai lang – dưa hấu ở các xã Thành Lợi, Tân Thành, Thành Đông (huyện Bình Tân), thu nhập từ 120 – 140 triệu đồng/ha; mô hình trồng hành lá trên 300 ha ở xã Tân Bình (Bình Tân) cho thu nhập bình quân 150 triệu đồng/ha/năm.