Cây quế liệu có đứng vững trước nguy cơ bị các tập đoàn cây công nghiệp khác như chè, sắn cao sản... lấn át hay không, đang là một câu hỏi lớn đối với người trồng quế nơi này.
Về huyện Văn Yên trong vụ quế này, không khí như trầm lắng hơn những năm trước. Không còn cảnh nhà nhà nô nức lên nương bóc vỏ quế, chặt tỉa cành, rồi chuyển quế vỏ đi bán như ngày nào.
Ấy cũng là do cảnh chung không chỉ riêng của vùng quế tỉnh Yên Bái: do giá bán thấp, trong khi công làm sạch thực bì, làm cỏ, bóc vỏ leo thang từng ngày; trong khi một số cây trồng trên đất dốc khác đang có giá trị trước mắt, nên phận cây quế bị "xuống hạng" như một tất yếu trong sản xuất nông nghiệp.
Ðến xã An Thịnh thăm hộ trồng và kinh doanh quế Hoàng Bảy, là hộ có diện tích quế lớn nhất nhì huyện. Ðã vào vụ ba (vụ quế đầu năm) nhưng cả khu sản xuất rộng lớn vẫn im lìm, duy chỉ còn chục lao động nữ đang cạo vỏ quế khô trong kho, mùi hương quế ngào ngạt như khẳng định nơi đây còn sản xuất.
Ðược biết, hiện với diện tích hơn 100 ha quế trồng và một số lớn đang cho thu hoạch, năm trước gia đình chế biến bán được hơn 600 tấn quế vỏ khô các loại (chiếm gần 10% tổng sản lượng quế vỏ của huyện), thu nhập từ quế đủ chu cấp cho con trai ông Bảy đang học tại nước ngoài.
Bộc bạch tâm sự nỗi lòng những thăng trầm của người gắn bó với cây quế, ông Bảy không khỏi lo lắng khi giá bán quế sơ chế không làm yên lòng người trồng quế. Tình trạng giá cả trồi sụt dẫn đến phần thua thiệt vẫn thuộc về người trồng quế. Trong khi cây quế từ lúc dâm bầu đến khi có thể thu hoạch tỉa phải mất đến 7 năm, riêng năm đầu phải mất bốn lần làm cỏ, mà tiền công bây giờ bình quân 40 nghìn đồng/ngày, nếu tính toán không kỹ thì lỗ cầm chắc.
Ðột phá trong khâu sản xuất, ông Bảy mạnh dạn trồng 30 ha quế Trà My (Quảng Nam) là giống cho hàm lượng tinh dầu cao hơn hẳn giống quế địa phương, ngoài ra ông thử nghiệm trồng giống quế nhập nội từ Sri Lanka, với hy vọng tạo được một thương hiệu riêng cho quế Văn Yên trong những năm tới.
Ðến xã Nà Hẩu, nơi có 225 hộ đồng bào Mông từ huyện Bắc Hà (Lào Cai) vừa định cư được hơn 10 năm, Chủ tịch UBND xã Giàng Chấn Phử cho biết: xã mình cách trung tâm huyện đến 60 km, cùng với việc bảo vệ hơn 3.000 ha rừng tự nhiên, đồng bào trong xã thấy được cái lợi của cây quế, nên trong mấy năm rồi đã trồng được hơn 356 ha, nếu giá quế vỏ bán được giá thì dân mình sẽ khá hơn, không phá rừng làm nương rẫy nữa.
Quế Văn Yên được đồng bào Dao trồng thành rừng, đã đưa vào hương ước của từng bản, trở thành một phong tục tốt đẹp bởi mỗi khi gia đình nào có con đi lấy chồng, gia đình đó lại cho con mình một đồi quế như của hồi môn.
Từ xã Viễn Sơn, nơi có 100% số dân là đồng bào Dao sinh sống, có HTX Cộng Lực được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động nhờ trồng quế, đến nay các xã Ðại Sơn, Xuân Tầm, Mỏ Vàng, Phong Dụ Hạ, Tân Hợp... đi đến đâu cũng bắt gặp ngút ngàn quế là quế.
Cứ như vậy, năm này qua năm khác việc trồng quế đã thành truyền thống mỗi độ xuân sang, nhiều đồi quế trở thành rừng, trở thành tài sản có giá trị không riêng của đồng bào Dao nơi này.
Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Trần Thế Hùng cho biết: Năm 1965, khi thành lập toàn huyện chỉ có 290 ha quế ở tám xã của người Dao. Ðến nay ở 27 xã, thị trấn của huyện đã có hơn 15.000 ha quế. Quế trở thành cây công nghiệp cho thu nhập cao, vừa tăng độ che phủ rừng, nhiều hộ đã làm giàu từ cây quế.
Ngoài thu hoạch quế vỏ vào vụ tháng 3, tháng 7 với giá hiện thời hơn 12 nghìn đồng/kg; thân quế bóc vỏ đi rồi có "vanh" từ 35 cm trở lên bán được giá một triệu đồng/m3, còn loại nhỏ bán làm cây chống trong xây dựng được giá từ 15 đến 20 nghìn đồng/cây.
Nếu như vài năm trước, xuất hiện cả trăm lò quy mô nhỏ chưng cất tinh dầu quế ngay tại đồi rừng, nhưng lượng tiêu thụ lá và cành không xuể, gây lãng phí lớn cho người trồng quế.
Niềm vui cho người làm quế nơi này khi năm 2008 có thêm một doanh nghiệp chế biến tinh dầu quế công nghiệp công suất 200.000 lít/năm, nguyên liệu là cành, ngọn, lá quế tận thu khi chặt tỉa thưa và khi hạ cây bóc vỏ.
Giá bán tinh dầu ngay tại nhà máy đạt hơn 200 nghìn đồng/lít. Hiện tại, toàn bộ sản phẩm làm ra được xuất khẩu trực tiếp, nên giá mua nguyên liệu hiện thời của nhà máy đạt gần 1.000 đồng/kg cành, lá quế, mở ra triển vọng lớn cho vùng quế hơn 15.000 ha của Văn Yên và hàng chục nghìn ha quế của các huyện lân cận. Như vậy, một cây quế từ vỏ, thân, cành, lá qua chế biến đều trở thành hàng hóa, một lợi thế ít cây công nghiệp nào có được.
Mặt khác, điều kiện thổ nhưỡng vùng này khẳng định rất phù hợp sự sinh trưởng của quế, không vội vàng gì phải chuyển đổi sang trồng dứa cayen, sắn cao sản, cà-phê caltimo, gió trầm...
Huyện đang xây dựng thương hiệu quế Văn Yên; quy hoạch lại vùng trồng quế tập trung vào các xã vùng cao; thống nhất quản lý các HTX, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh quế trên địa bàn.
Trước mắt, các xã đã kiên trì thuyết phục đồng bào không xảy ra tình trạng phá quế để trồng sắn (giá bán củ tươi một trăm hai mươi nghìn đồng/tạ), ưu tiên phát triển giao thông nông thôn vùng cao để đồng bào thuận lợi vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ.
Nên chăng, tỉnh Yên Bái cần có chính sách hỗ trợ về giống quế mới có lượng tinh dầu cao, bởi qua thử nghiệm trồng tại một số hộ đã có kết quả tốt; đầu tư xây dựng mô hình rừng quế sinh thái du lịch kết hợp quảng bá văn hóa đặc sắc dân tộc Dao như: Tết nhảy, lễ cấp sắc, lễ cưới...thu hút khách du lịch đến với vùng quế.
Hằng năm, tỉnh cần ưu tiên ngân sách cho nghiên cứu, phát triển cây quế chất lượng cao nhằm tạo vùng nguyên liệu bền vững. Chỉ có tâm huyết gắn bó với cây quế, vui buồn cùng với quế, chắc chắn sẽ sớm chấm dứt được cảnh thăng trầm đang xảy ra như hiện thời.