Chúng tôi từ TP. Ninh Bình, theo Quốc lộ 10 về huyện Yên Khánh, thấy bên đường có nhiều biển quảng cáo với nội dung: chuyên thu mua, sản xuất nấm. Ông Trần Ngọc Diệp, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, được sự giúp đỡ của Trung tâm Công nghệ sinh học (Viện Di truyền – Bộ Nông nghiệp và PTNT), từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất nấm xuất khẩu cho giá trị kinh tế cao, tập trung chủ yếu ở các xã Khánh Cư, Khánh An, Khánh Nhạc, Khánh Vân...
Đi đầu trong phong trào này phải kể đến anh Phạm Như Ngoạn, Chủ nhiệm HTX nấm Khánh Phú, người tự bỏ vốn và đứng ra thành lập HTX sản xuất nấm đầu tiên của huyện. Hồi đó, anh Ngoạn đang là Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Khánh Phú, nhận thấy nếu độc canh 2 vụ lúa/năm, người lao động chỉ đủ ăn chứ không thể làm giàu, anh bèn nghiên cứu, tìm hướng đi phù hợp. Nghề trồng nấm đến với anh như một mối “duyên” khi anh tiếp xúc với ông Đinh Xuân Linh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học. Sau khi vay thêm vốn ngân hàng, cộng với số tiền tích cóp được, anh quyết định đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng lán trại, lò sấy, máy bơm... để trồng nấm rơm, sò, mỡ, mộc nhĩ. Trên diện tích hơn 1,3ha, mùa nào thức ấy, bình quân HTX của anh cho ra “lò” 1 – 2 tạ nấm/ngày.
Dẫn chúng tôi đi thăm những lán trồng nấm sò, nấm linh chi đang phát triển, anh Phan Văn Khoát, Phó chủ nhiệm HTX nấm Khánh Phú cho biết: “Với 2 lò sấy, HTX sản xuất khoảng 3 – 5 tấn nấm khô/năm. Ngoài ra, chúng tôi còn trồng một số loại nấm cao cấp như nấm đùi gà, trà tân, chân dài, linh chi... và là địa chỉ thu gom, tiêu thụ nấm cho bà con trong huyện (15 – 20 tấn/tháng). Nghề nấm đã giúp HTX có doanh thu 800 triệu đồng – 1 tỷ đồng/năm”.
Với kỹ thuật đơn giản (chỉ cần ủ mùn đủ độ ẩm, tưới nước, khử trùng bịch trồng nấm đúng kỹ thuật...) và giá bán ổn định, bình quân 7.500 – 8.000 đồng/kg nấm tươi, bà con huyện Yên Khánh khá yên tâm khi đầu tư trồng nấm. Từ năm 2004 đến nay, riêng HTX nấm Khánh Phú đã thu hút gần 30 hộ tham gia, thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người/tháng. Hiện, huyện có một trại sản xuất giống nấm cấp 3, gần 200 cơ sở, trang trại chuyên sản xuất nấm thành phẩm với sản lượng 1.500 tấn/năm, doanh thu 12 tỷ đồng. Một số hộ có thu nhập cao từ trồng nấm như gia đình anh Nguyễn Văn Quang ở thôn Yên Cống (Khánh An) đạt 100 triệu đồng/năm; gia đình chị Nguyễn Thị Tơi (Khánh Phú) đạt doanh thu 70 triệu đồng/năm;... Sản phẩm nấm của huyện đã được bán rộng rãi tại thị trường Hà Nội và được nhiều doanh nghiệp thu mua xuất khẩu.
Để góp phần giúp nghề nấm ở Yên Khánh phát triển, có đầu ra ổn định và hướng tới xuất khẩu, tỉnh Ninh Bình đã có chính sách hỗ trợ 40% kinh phí cho các cơ sở sản xuất giống nấm, 30% kinh phí xây dựng lán trại, hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn thị trường... Huyện Yên Khánh cũng thành lập Ban chỉ đạo phát triển nghề trồng nấm nhằm tháo gỡ khó khăn cho bà con mới vào nghề, xây dựng điểm thu mua nấm, giúp nông dân yên tâm sản xuất.