00:00 Số lượt truy cập: 2663133

Bắc Giang: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp 

Được đăng : 19/03/2020

tin1

                                              Vải thiều Lục Ngạn là cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Giang

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 130-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao tái cơ cấu nông nghiệp, nền nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang đã có nhiều thành công, phát triển
vượt bậc, trong đó tập trung chính vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đến nay toàn tỉnh đã thu hút  được hơn 593 tỷ đồng đầu tư xây dựng 766 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tất cả các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.Trong đó có 332 mô hình trồng trọt, 200 mô hình chăn nuôi, 210 mô hình thủy sản, 24 mô hình lâm nghiệp.

Trong thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ HTX, chủ trang trại, hộ gia đình đầu tư sản xuất rau và hoa ứng dụng công nghệ cao. Các đối tượng tham gia đảm bảo các điều kiện theo quy định sẽ hỗ trợ 300 triệu đồng/mô hình có quy mô từ 2.000m2 đến dưới 3.000m2; hỗ trợ 400 triệu đồng/mô hình có quy mô từ 3.000m2 đến dưới 5.000m2; hỗ trợ 500 triệu đồng/mô hình có quy mô từ 5.000m2 trở lên. Theo Kế hoạch số 1882/KH-UBND, tỉnh đề ra chỉ tiêu triển khai 53 mô hình sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích nhà lưới, nhà màng 115.050m2 vào năm 2020.

 

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu hết các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều đạt hiệu quả kinh tế vượt trội. Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bình quân từ 220-250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 2-2,5 lần so với sản xuất thông thường. Trong đó mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng đạt từ 700 triệu – 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Năng suất cây trồng, vật nuôi và giá trị gia tăng tăng từ 30-40% so với năm 2016 vượt mục tiêu đề ra. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 31.527 tỷ đồng, bằng 115,5% so với năm 2016.

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị, chi cục trực thuộc tập trung nghiên cứu, tuyển chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để đưa vào sản xuất đại trà. Các mô hình đều sử dụng giống mới; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu, điển hình như: vải thiều, rau an toàn, rau chế biến, gà đồi, thịt lợn sạch...

Để nông nghiệp thực sự là một thế mạnh của tỉnh trong bối cảnh hội nhập, có thương hiệu mạnh và đủ sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế cần phải tiến hành đầu tư mạnh mẽ và bài bản cho sản xuất nông nghiệp, mở rộng và phát triển hơn nữa các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập trung ứng dụng các tiến bộ về giống, công nghệ sạch, hữu cơ và các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa các khâu trong quá trình sản xuất, trong đó ưu tiên, hỗ trợ các loại hình kinh tế tập thể tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là HTX và tổ hợp tác nông nghiệp.

TB