00:00 Số lượt truy cập: 2927961

Biến “sỏi đá” thành những mùa quả ngọt 

Được đăng : 29/08/2023
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, mồ côi mẹ từ nhỏ, anh Phạm Ngọc Thưởng ở xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đã phải tha hương kiếm sống, phụ giúp cha mình nuôi 6 em nhỏ ăn học. Tình yêu tha thiết với quê hương cộng với bản tính cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám dám làm đã giúp anh anh khởi nghiệp thành công chỉ với 10 triệu đồng. Đến nay anh đã sở hữu trang trại quy mô 15 ha với các sản phẩm như: cam, keo tràm, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, cá…, đưa lại lợi nhuận hàng năm hơn 2 tỷ đồng.

qua-ngot

Anh Phạm Văn Thưởng đang chăm sóc vườn cam

 Sinh ra tại vùng quê nghèo quanh năm thiên tai lũ lụt, đất đai khô cằn, gia đình thuần nông của anh Thưởng quanh năm nghèo đói. Cuộc sống càng vất vả, đói rách hơn khi gia đình gặp biến cố, mẹ anh mất sớm để lại một mình cha anh với 7 đứa con thơ côi cút, nhỏ dại. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, 14 tuổi, anh rời quê hương để làm thuê kiếm sống, phụ giúp cha mình nuôi 6 em nhỏ ăn học.

Trong suốt 5 năm lăn lộn nơi đất khách, anh làm đủ mọi nghề, nhiều nơi miễn sao kiếm được tiền để giúp gia đình. May mắn được làm việc ở những vùng chuyên trồng cây ăn quả các loại nên anh đã tích lũy kinh nghiệm để tìm hướng đi cho riêng mình. Nỗi niềm đau đáu nhớ quê hương đã thôi thúc anh quay về quê hương lập nghiệp. Năm 2002, anh lập gia đình với chị Phạm Thị Giang, được chính quyền cấp cho hai sào đất ở xã Kim Hoa dựng túp lều ở. Khi ấy, khu vực này là đồi hoang, đất đai cằn cỗi, cây dại mọc cao gần lút đầu người. Sau khi cất túp lều, vợ chồng trẻ chỉ còn vỏn vẹn 100 ngàn đồng.

Vợ chồng ban ngày đi làm thợ xây, cắt cây keo tràm, tối về lại chăm đàn gia súc, gia cầm. Nhiều đêm trằn trọc, anh Thưởng suy nghĩ nếu làm thuê như hiện tại thì "nghèo mãi hoàn nghèo", phải tìm ra cách gì đó để làm chủ. Thế rồi, anh nghĩ ngay đến loài cam Bù – một thứ quả thơm, ngọt dịu, nức danh cả nước, được người dân Hà Tĩnh xem là đặc sản quý, thường mua làm quà biếu mỗi khi đi xa. Nhận thấy cây cam bù, cam chanh là đặc sản của địa phương nhưng chưa được khai thác, trong đầu anh chợt lóe lên ý nghĩ sẽ khởi nghiệp từ cây đặc sản bản địa.

Bắt tay vào thực hiện mơ ước, vợ chồng anh vay ngân hàng được 10 triệu đồng, đủ tiền để mua giống cây. Máy móc chưa có, vợ chồng dùng cuốc, thuổng đào đất, dùng liềm cắt cỏ, ròng rã suốt 4 năm, mỗi năm phát triển một ít. Ban đầu, anh Thưởng trồng 60 gốc cam, sau đó mỗi năm trồng thêm vài chục đến trăm gốc. Những năm 2005-2009, hàng tuần anh Thưởng đạp xe hàng chục km lên huyện Hương Khê mua cam giống về trồng. Không có tiền mua phân bón, vợ chồng anh chịu khó thay nhau đi nhặt phân bò về tự ủ phân hữu cơ. Hai vợ chồng dồn hết tâm huyết, chăm chỉ cày xới, vun trồng, chăm chút cho từng cây cam. Dù nhiều khó khăn nhưng đất không phụ người, vụ đầu thu hoạch, chứng kiến vườn cam trĩu quả, vợ chồng anh mừng đến phát khóc. Tuy lời lãi chưa đáng kể nhưng nhìn vườn cam phát triển tốt, vợ chồng anh như được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Nhờ mua đất có sẵn cây keo, mỗi năm vợ chồng anh Thưởng bán một ít để có thêm tiền trang trải. Từ năm 2010, cây cam, bưởi bắt đầu cho thu hoạch. Không dừng lại ở đó, vợ chồng anh mạnh dạn vay 60 triệu đồng để đầu tư, mua thêm những khoảnh đồi bên cạnh vườn mở rộng đầu tư cho vườn cam. Mọi người trong gia đình đều lo lắng vì sợ nếu không thành công thì anh không thể trả nợ. Ngay vụ cam đầu nhà anh thắng lớn, anh đã có tiền trả nợ.

Có nguồn vốn từ cây cam, anh tìm cách phát triển mô hình trang trại khép kín. Gia đình mở rộng diện tích sản xuất, nuôi thêm gia súc, đào ao thả cá... Hiện nay gia đình anh Thưởng đã xây dựng được trang trại rộng 15ha trồng cam, keo tràm kết hợp với chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, cá… Trong đó, riêng cây cam có 6 ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 200 tấn. Cùng với trâu, bò, gà, cá…, trang trại cho doanh thu hằng năm đạt gần 6 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng trên 2 tỷ đồng/năm.

Để được thu hoạch những mùa cam trịu quả, thơm ngon, anh đã luôn tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu chọn giống, làm đất, chăm sóc, bón phân đến thu hoạch, bảo quản. Anh thường xuyên học hỏi, tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, anh mạnh dạn đầu tư và áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt chống hạn, trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường.

Anh Phạm Văn Thưởng là một hội viên nông dân tích cực lao động sản xuất, đi đầu trong các phong trào ở địa phương, thường xuyên giúp đỡ bà con nông dân phát triển sản xuất bằng hỗ trợ vốn vay, cây, con giống, hướng dẫn kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật… Hằng năm, anh đều ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho hoạt động xã hội, hỗ trợ 2.000 cây cam giống cho các hộ dân làm vườn mẫu với tổng trị giá 100 triệu đồng. Bãn lĩnh, sự kiên cường, cần mẫn, chịu khó, không đầu hàng trước hoàn cảnh của anh Thưởng và chị Giang là tấm gương sáng để hội viên nông dân học tập và noi theo.

Minh Châu