00:00 Số lượt truy cập: 2667216

Bình Phước: Ứng dụng công nghệ cao - “chìa khóa” phát triển nông nghiệp bền vững 

Được đăng : 14/12/2022

anhdatson

Trồng dưa theo công nghệ cao ở Đồng Xoài.


Sau hơn 10 năm thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (2010-2020), nền nông nghiệp Bình Phước đã có bước phát triển vượt bậc, tạo nên bước “đột phá” trong phát triển kinh tế, “lan tỏa” sâu rộng đến các lĩnh vực chính trị, xã hội, quốc phòng - an ninh và làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân. Năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp tăng gấp nhiều lần so với phương pháp canh tác truyền thống, đưa Bình Phước thoát nghèo và trở thành một tỉnh có thu nhập ổn định khá ở khu vực Đông Nam Bộ. Việc đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông nghiệp không chỉ là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề nêu trên mà còn là một tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản, bảo đảm kinh tế nông nghiệp Bình Phước phát triển bền vững.

Kết luận số 369-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là hình thành 1 đến 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với khoảng 1.000-2.000 ha. Sản xuất nông sản sạch trên diện tích khoảng 17.000 ha, ước đạt 7,77% diện tích đất nông nghiệp (không tính diện tích trồng cây cao su), trong đó có 5.130 ha sản xuất hữu cơ, ước đạt 2,35%. Mục tiêu giai đoạn 2025-2030 là hình thành 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích khoảng 5.000 ha. Sản xuất nông sản sạch trên diện tích khoảng 31.500 ha, ước đạt 15,42% (không tính diện tích cây cao su), trong đó có 7.400 ha sản xuất hữu cơ, ước đạt 3,62%.

Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030 đã xác định được thế mạnh của từng vùng có thể sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các địa điểm để xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; loại hình tổ chức sản xuất là hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp... tập trung thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao chuyên sâu, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu...Tập trung chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và một số tiêu chuẩn quốc tế khác đạt khoảng 15% - 30% diện tích; tập trung vào một số loại cây trồng chủ lực của tỉnh như điều, tiêu và một số loại rau củ quả để cung ứng cho các tỉnh, thành phố trong khu vực

Chuyển giao khoa học - kỹ thuật được xem là “chìa khóa” giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Riêng 2 năm 2021-2022, ngoài các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, sở còn hoàn thành 17/22 nhiệm vụ KH&CN cơ sở, Nhiệm vụ chủ yếu hướng tới một nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường. Tập trung khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng; đưa các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại theo hướng an toàn sinh học để nông dân áp dụng, giúp tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống nông dân. Đối với những địa bàn khó khăn, sở đã xây dựng các mô hình nông nghiệp theo hướng đa canh, tích hợp, tạo sinh kế bền vững cho nông dân, ưu tiên vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, các xã đang xây dựng nông thôn mới... Nhiều hộ gia đình và  doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư đưa công nghệ sinh học, nhà kính, tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, chăn nuôi công nghệ cao theo mô hình khép kín, tỉnh Bình Phước có nhiều trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa và bán tự động với quy mô chăn nuôi từ 16.000 đến 400.000 gia súc, gia cầm.

Ngoài việc hỗ trợ các địa phương còn tiến hành tạo lập, đăng ký, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý liên quan đến các sản phẩm thế mạnh, đặc sản địa phương, như: cao su, điều, tiêu, nhãn, gà thả vườn… tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản phẩm rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ làm hạt nhân thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao hiệu quả, tăng cường các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh. Ngành nông nghiệp luôn đồng hành với các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp để hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, kết nối với các đầu mối, viện nghiên cứu.Từ khi đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở Bình Phước, qua đánh giá, thống kê, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tăng từ 40 đến 50 lần so với các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống.

TB