00:00 Số lượt truy cập: 2668145

Cần Thơ phát triển nông nghiệp công nghệ cao 

Được đăng : 15/06/2020

 

may-cam-bien-thuy-van

Máy cảm biến Khí tượng Thủy văn được Trường ĐH Cần Thơ đặt miễn phí tại cánh đồng lớn ở phường Tân Hưng (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ)

 

Với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa; xây dựng ngành hàng hóa chủ lực, vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, thực hiện liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ… ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo được thành công trên nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân.

Tại TP Cần Thơ, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ 4.0, tiên tiến trên nền tảng IoT (Internet of Things) vào sản xuất nông nghiệp đang được khuyến khích, nhân rộng.Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho biết: Hiện thành phố có một số mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 tiêu biểu như: Mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel, mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và ứng dụng điện toán đám mây, mô hình điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên vườn cây ăn trái, mô hình ứng dụng đèn led thắp sáng, xử lý ra hoa trái vụ trên cây thanh long, ứng dụng công nghệ thông tin (IT) tưới tiết kiệm nước trên cây ăn trái, rau thủy canh, trồng hoa nhà màng/nhà lưới, nấm ăn, nấm dược liệu trong nhà, nhân giống hoa bằng công nghệ nuôi cấy môTrong thời gian qua, nhiều nông dân, doanh nghiệp đã thể hiện sự quan tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp mặc dù số lượng chưa nhiều.

Đặc biệt trong vụ lúa Hè Thu năm 2020, nhờ ứng dụng các giải pháp máy cảm biến Khí tượng Thủy văn ngành nông nghiệp do GS.TS Võ Quang Minh, Trưởng Bộ môn Tài nguyên đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ) tiến hành lắp đặt tại cánh đồng mẫu ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, nhiều nhà vườn, trang trại, HTX nông nghiệp nhận biết được để có những biện pháp phòng ngừa hoặc tăng cường phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng. Đồng thời giúp người nông dân giảm áp lực về chi phí trong sản xuất, tiết kiệm thời gian và công sức.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Cần Thơ đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường liên kết, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng tốt cho cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đến nay, toàn thành phố có hơn 101ha cây ăn trái của 110 hộ dân tại các HTX và tổ hợp tác đã được chứng nhận VietGAP, với các loại cây ăn trái: Xoài cát Hòa Lộc, nhãn, vú sữa, mít, cam, sầu riêng… Toàn thành phố hiện có 12 vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp 1,5-2 lần so với trồng chuyên cây ăn trái.

Bình Phương