00:00 Số lượt truy cập: 2670063

Chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái 

Được đăng : 02/07/2021
Kết luận cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm, định hướng phát triển ngành nông nghiệp là tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững, khởi tạo chuyển đổi số.

Thủ tướng đã đánh giá cao những thành quả to lớn trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần ổn định xã hội, ổn định tình hình đất nước, đặc biệt là trong những lúc kinh tế khó khăn. Giai đoạn 2016-2020 toàn bộ 15/15 chỉ tiêu tăng trưởng chủ yếu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, năm 2020 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 41,5 tỷ USD, xây dựng nông thôn mới đạt 62% về đích sớm trước 2 năm, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người, tăng 1,92 lần so với đầu nhiệm kỳ. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó, nông nghiệp phát triển chưa ổn định, bền vững, phụ thuộc vào thiên tai, thời tiết, thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến, bảo quản còn hạn chế, quan hệ sản xuất đổi mới còn chậm, các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất, kết nối liên vùng còn rời rạc, kết nối thị trường chưa thông suốt, chi phí logistics còn cao...

Để nông nghiệp đạt được mục tiêu nêu tại báo cáo của Bộ: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,5-3,0%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu từ 48-50 tỷ USD; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới ít nhất 80%; thu nhập của cư dân nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020; tỉ lệ che phủ rừng duy trì 42%, nâng cao chất lượng rừng, Thủ tướng yêu cầu cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu và thúc đẩy sản xuất lớn trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng; Tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển mạnh mẽ, hợp lý, phù hợp hệ thống hợp tác xã, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Đổi mới công tác khuyến nông, làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các FTAs, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường, coi trọng thị trường nội địa, đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản; Đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế; tổng kết, sơ kết để xây dựng lý luận và thực tiễn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bám sát thực tiễn, nhu cầu thị trường, nhân rộng các mô hình hiệu quả cao, cách làm hay để góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp nhằm mang lại giá trị gia tăng và thu nhập cho người sản xuất….


rau

Mô hình trồng cà chua theo hướng công nghệ cao

Bình Nguyên