00:00 Số lượt truy cập: 2689599

Dạy nghề dệt truyền thống cho đồng bào ở Đắk G’long 

Được đăng : 28/11/2023
Đắk Nông có 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 200.000 người, chiếm 31% dân số toàn tỉnh. Những năm qua các cấp ngành và địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số.

tyhiet
Các lớp dệt thổ cẩm đã từng bước nâng cao nhận thức của đồng bào về tầm quan trọng của việc học nghề

 

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 khẳng định: Giáo dục nghề nghiệp đối với giảm nghèo bền vững có vai trò quan trọng. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì việc chọn nghề truyền thống để dạy cho người dân là một cách làm hay khi gắn việc cải thiện kinh tế với giữ gìn văn hóa dân tộc.

Thời gian gần đây, trung tâm dạy nghề huyện Đắk G’long và hợp tác xã DANO farm đã phối hợp mở các lớp dạy nghề dệt truyền thống với 55 học viên là người đồng bào các dân tộc BNông, Ê Đê, H’Mông tham gia học miệt mài từ sáng tới khuya. Trước kia, đa số học viên của lớp chưa biết gì về nghề dệt. Từ khi có cán bộ, thầy cô giáo đến mở lớp và truyền đạt cùng với sự nhiệt tình học hỏi của đồng bào dân tộc thì cuộc sống của đồng bào đã thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất được nâng lên đáng kể từ thu nhập của nghề dệt truyền thống.

Hiện nay, mỗi lớp học dệt chỉ kéo dài tối đa 3 tháng nhưng đã từng bước thu hút học viên. Mặc dù học dệt đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ là thế, nhưng các học viên vẫn kiên nhẫn để học. Với mong muốn tạo thêm việc làm, cải thiện kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Đăk G’long đang tìm đầu ra cho các sản phẩm thổ cẩm và gắn liền với du lịch địa phương.

Chị Thào Thị Võng, một nữ học viên người đồng bào nói: “Mình tham gia để bảo tồn phong tục truyền thống của dân tộc mình và kiếm thêm thu nhập để nâng cao đời sống cho gia đình”.

Trong quá trình triển khai thực hiện dạy nghề, việc khó khăn nhất là thay đổi được nhận thức, cách làm và sự phối hợp của đồng bào dân tộc nơi đây. Chính quyền địa phương đang từng bước tuyên truyền, vận động bà con đồng bào tham gia tích cực để có một cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn.

Để tiếp tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và dạy nghề, chính quyền địa phương các cấp cần đậy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về tầm quan trọng của học nghề, qua đó xây dựng cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu xóa đói  giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Thiết