00:00 Số lượt truy cập: 2662236

Điện Biên: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới 

Được đăng : 01/01/2020
Hơn ba năm triển khai đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" ở thành phố Ðiện Biên Phủ bước đầu đem lại hiệu quả. Một số vùng chuyên canh nông, lâm nghiệp dần hình thành rõ, khẳng định giá trị, chỗ đứng trên thị trường.

 

Trong giai đoạn 2017 - 2020, thành phố Điện Biên Phủ đã nỗ lực thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, từ đó nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất cho người dân. Chủ yếu tập trung phát triển các cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng lớn theo chuỗi giá trị như lúa chất lượng cao và rau, quả an toàn. Trong 3 năm, thành phố thực hiện chuyển đổi 37ha trồng lúa nương và lúa nước 1 vụ kém hiệu quả sang 35ha sang trồng cây ăn quả và 2ha chuyên trồng cây thức ăn gia súc. Hiện nay diên tích cây ăn quả có 171ha với các loại cây như: bưởi da xanh, cam, nhãn chín muộn, xoài Ðài Loan; thay thế các vườn cây ăn quả có năng suất thấp, bổ sung các loại cây có giá trị kinh tế cao từ 5 - 10ha. Ðến năm 2020 thành phố có 0,5ha sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao và 5ha rau an toàn tại phường Thanh Trường, Thanh Bình và Noong Bua.

Ngoài ra thành phố đã đẩy mạnh chăn nuôi tập trung phát triển theo hướng trang trại, gia trại; hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp; phát triển các giống vật nuôi bản địa, tạo sản phẩm đặc trưng có chất lượng cao. Tạo điều kiện hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất cây ăn quả để có sự kiểm soát chất lượng, tăng giá trị hàng hóa. Ðến năm 2020, mô hình chăn nuôi theo chuỗi khép kín, liên kết giữa các khâu, tổng đàn trâu, bò đạt 1.400 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 50 tấn/năm; đàn lợn 10.000 con, sản lượng 800 tấn/năm; đàn gia cầm khoảng 228.000 con; từ 2 - 3% đàn vật nuôi được chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Ðồng thời, tăng diện tích thủy sản lên 86ha, sản lượng 262 tấn, nuôi các loài có giá trị kinh tế cao như: rô phi đơn tính, ba ba, tôm…

Thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác các loại cây trồng thay thế để nông dân thực hiện.. Thực hiện cơ giới hóa, thâm canh bền vững, giảm sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất; chú trọng khâu sau thu hoạch và chế biến, phấn đấu tốc độ thu nhập ngành trồng trọt đạt 4%/ha/năm. Định hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững bước đầu có kết quả tích cực. Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được thử nghiệm, ứng dụng mở rộng trong sản xuất, tạo ra những chuyển biến mới trong sản xuất nông - lâm - thủy sản.

Nhờ những kết quả đạt được trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), thành phố Ðiện Biên Phủ đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM theo đúng kế hoạch đề ra.


 

anh
Chu Hương