Gia đình anh Giàng là một trong những hộ nghèo ở trong thôn, bao lâu nay anh cũng chẳng biết làm gì để thoát nghèo ngoài ruộng lúa, nương ngô. Nhưng từ sự hỗ trợ của Nhà nước để thoát nghèo, dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi bò vàng được thực hiện theo hình thức liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Dự án này đã hỗ trợ cho mỗi gia đình 02 con bò, mức hỗ trợ được tính 95.000đ/1kg và mức hỗ trợ cho mỗi gia đình là 220 kg nếu vượt quá số cân này thì mỗi gia định tự ứng thêm. Là người được hưởng lợi từ Dự án, anh Giàng nói: “Nhà nước cho 02 con bò về chăm sóc thật tốt để có nguồn phát triển kinh tế”.
Nhà nước cho vay để phát triển kinh tế thì người dân cũng sẵn sàng đối ứng để có những con bò giống đảm bảo phát triển. Ở Hà Giang, dự án được thực hiện ở 11 huyện nghèo thì cả 11 huyện đều đồng tình, nhất trí với sự hỗ trợ của Nhà nước, mọi người dân ai ai cũng nỗ lực hết mình để chăm sóc đàn bò phát triển thật tốt, hợp tác xã sẽ là đơn bị bao tiêu sản phẩm cho người dân nơi đây.
Từ khi thực hiện dự án liên kết chăn nuôi bò sinh sản thì công việc của anh Long Văn Minh - nhân viên thú y xã Yên Định, huyện Bắc Mê ngày càng bận rộn, anh luôn phải đến tận nơi để thăm khám, kiểm tra quá trình chăm sóc bò, công tác phòng bệnh cho đàn gia súc của người dân như việc tiêm phòng về bệnh lở mồm long móng, tiêm tụ huyết trùng theo quy định mỗi năm 02 vụ, hướng dẫn bà con cho thêm thức ăn tinh cho bò. Việc kiểm tra như vậy đã giúp đàn bò đủ tiêu chuẩn trong chăn nuôi khi thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm.
Thực hiện dự án 2 đa dạng hóa kinh tế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; huyện Bắc Mê đã triển khai cung ứng và trao 248 con bò vàng cho 123 hộ nghèo, hộ cận nghèo của các xã, thị trấn đủ điều kiện giải ngân theo nội dung, chương trình dự án. Theo thiết kế của dự án, mỗi hộ được nhận một cặp bò trị giá trên 30 triệu đồng, các gia đình được hỗ trợ sẽ sử dụng vốn trong 03 năm, sau đó sẽ hoàn trả lại 35% vốn cho Nhà nước. Ông Đặng Văn Dâu - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Mê nói: “Nhà nước hỗ trợ đàn bò cho các hộ đã được thôn bình chọn và thực hiện chủ trương của dự án, xã đã rất quan tâm, thôn nhiệt tình hưởng ứng và chăm sóc cho đàn bò ngày càng phát triển”. Được sự hưởng ứng của người dân, để đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt, cán bộ thú ý của các xã, trạm thú ý của huyện đã thực hiện tiêm phòng cho đàn bò, bấm số trên tai để quản lý, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển.
Huyện Bắc Mê đang phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2030, để đạt được mục tiêu này, huyện đã đề ra 03 nhiệm vụ đột phá, trong đó có tạo kinh tế cho người dân và giảm nghèo bền vững. Tạo kinh tế được coi là nhiệm vụ cốt lõi để giúp người dân nâng cao thu nhập. Huyện đã định hướng cho các xã trên cơ sở tiềm năng, lợi thế đã được Nghị quyết đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định. Trên cơ sở đó, huyện đã định hướng cho các xã xây dựng các chuỗi giá trị, các mô hình sản xuất cộng đồng. Trong những năm 2022 - 2023, huyện Bắc Mê đã xây dựng 12 chuỗi giá trị, trong đó có chuỗi giá trị bò vàng và chuỗi giá trị cá lồng đã thực hiện xong; Huyện cũng đã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho người dân dựa trên những cây, con là thế mạnh của địa phương; vấn đề giao thương sản phẩm cũng được tính toán để giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất.
Các chương trình, dự án kinh tế đang được thực hiện, người dân huyện Bắc Mê sẽ còn có nhiều những dự án thiết thực để phát triển kinh tế. Vẫn mảnh đất ấy, con người ấy nhưng được sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ là động lực để giúp người dân thoát nghèo, những chính sách thiết thực, hiệu quả đúng và trúng cũng như sự hỗ trợ giống cây tốt, con vật tốt sẽ tạo ra việc làm bền vững, có thu nhập ổn định không chỉ giúp các hộ thoát nghèo mà cả cộng đồng thoát nghèo./.
Minh Phương