00:00 Số lượt truy cập: 2785573

Hiệu quả từ chính sách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước 

Được đăng : 28/08/2023

 

 ha1

Hộ nghèo hăng say lao động tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước 

 

Bình Phước là một tỉnh miền núi thuộc khu vực miền Đông Nam bộ, với diện tích tự nhiên là 6.876,76 km2, dân số là 997.766 người. Trong đó, có 40 dân tộc thiểu số, với 193.860 nhân khẩu, chiếm 20,14% dân số toàn tỉnh. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số làm nghề nông nghiệp, sinh sống phân tán, đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, tập trung ở những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa biên giới (15 xã biên giới, thuộc 03 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập). Những năm qua, Bình Phước đã chủ động triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, đặc biệt ưu tiên đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là chương trình đặc thù giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số và làm 1.000km đường giao thông nông thôn mỗi năm. Đồng thời chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo nhanh, bền vững.

Những năm gần đây, với việc triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ, tỉnh Bình Phước đã và đang tạo bước đột phá mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là bà con sinh sống ở vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Một trong những điểm nhấn trong công tác này là phong trào “Toàn dân chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai từ năm 2019. Trong đó có 9 chính sách thuộc chương trình này được hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo thụ hưởng, gồm: hỗ trợ nhà ở, nhà vệ sinh, điện, nước sinh hoạt, tạo việc làm, vay vốn để phát triển sản xuất…

Theo lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh- Xã hội tỉnh Bình Phước, trước đây, mỗi hộ nghèo chỉ được tiếp nhận hỗ trợ từ các chính sách (y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, vay vốn,..) theo hình thức thụ động từ trên xuống vì đó là chính sách chung cho tất cả người nghèo (các chính sách hỗ trợ không phân biệt hộ nghèo là người kinh hay hộ nghèo dân tộc thiểu số). Nhưng đối với chương trình này, sự thiếu hụt của các hộ nghèo dân tộc thiểu số được hỗ trợ đầy đủ hơn, đặc biệt là phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của từng hộ nghèo. Xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế, các hộ nghèo dân tộc thiểu số được hỗ trợ nhà ở, điện, nước, nhà vệ sinh, tivi, đào tạo nghề, vay vốn. Đặc biệt, hộ nghèo được quyền chủ động lựa chọn cách thức đa dạng hóa sinh kế để tạo việc làm tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình. Từ đó phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân, đồng thời giúp chính sách phù hợp với điều kiện, đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình của từng khu vực và đặc biệt là phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ gia đình. Từ đó khắc phục được cơ bản các nguyên nhân dẫn đến nghèo.

Từ các nguồn lực hỗ trợ, được các sở, ngành, địa phương triển khai hỗ trợ kịp thời, góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2019-2022, toàn tỉnh đã giảm 5.198 hộ nghèo dân tộc thiểu số, đạt 129,8% chỉ tiêu Tỉnh ủy đề ra, đưa hộ nghèo dân tộc thiểu số từ 4.545 hộ (đầu năm 2019), chiếm 52,76% xuống còn 516 hộ (cuối năm 2021), chiếm 43,36% trong tổng số hộ nghèo. Riêng năm 2022, do áp dụng chuẩn nghèo mới nên số hộ nghèo dân tộc thiểu số đã tăng lên 2.820 hộ, chiếm 57,91% trong tổng 4.870 hộ nghèo. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã thoát được 2.481 hộ nghèo, đạt 115% so với kế hoạch. Trong đó đã giảm được 1.166 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (đạt 115%).

Theo đánh giá của cấp ủy, chính quyền địa phương, các chính sách hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ngày càng phù hợp với nguyện vọng của người dân, giúp hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số có động lực vươn lên thoát nghèo theo hướng bền vững.  Các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được tập trung đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, khó khăn. Đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được quan tâm đầy đủ. Nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí cho địa phương theo các dự án thành phần phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình đã được thiết kế và mang lại hiệu quả tích cực.

Năm 2023, Bình Phước phấn đấu giảm tối thiểu 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn; giải quyết đất ở cho 48 hộ; giải quyết nhà ở cho 629 hộ (xây dựng mới nhà ở cho 431 hộ và sửa chữa nhà ở cho 198 hộ); hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.300 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.310 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung với 4 công trình. Tỉnh tiếp tục đầu tư các dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư vùng đồng bào dân tộc, biên giới và những nơi cần thiết; phấn đấu có trên 70% thôn có đường giao thông đến trung tâm được cứng hóa; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư; xây dựng vùng nguyên liệu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các tổ hợp tác, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Với sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự đồng thuận vươn lên của nhân dân, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã có cuộc sống tốt hơn, từng bước giảm nghèo bền vững. Việc thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo đã củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền, góp phần ổn định xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh./.

Phùng Hà