00:00 Số lượt truy cập: 2661888

HỘI NÔNG DÂN TỈNH NAM ĐỊNH VỚI PHONG TRÀO NÔNG DÂN THI ĐUA SẢN XUẤT KINH DOANH GIỎI GIAI ĐOẠN 2015 – 2020 

Được đăng : 01/08/2020

 

 

Trong 5 năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" được Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai; là một trong 3 phong trào thi đua trọng tâm do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Các cấp Hội đã bám sát Nghị quyết của Trung ương Hội, của Tỉnh ủy và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tổ chức phát động phong trào sâu rộng tới cán bộ, hội viên, nông dân.

Kết quả, các cấp Hội đã tổ chức 425 buổi tuyên truyền cho trên 16.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục "Nông dân Nam Định với nông thôn đổi mới"; phối hợp với Báo Nam Định xây dựng chuyên trang về phong trào "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" và hàng trăm tin bài, phóng sự về gương nông dân điển hình tiên tiến. Thường xuyên tuyên truyền về phong trào qua cổng thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh và Bản tin Nông dân Nam Định. Để hỗ trợ nông dân thực hiện phong trào hiệu quả, đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi, các cấp Hội tích cực đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm năm qua, Hội đã trực tiếp tổ chức 89 lớp đào tạo nghề cho gần 3.000 lao động nông thôn. Hằng năm, các cấp Hội phối hợp và trực tiếp tổ chức hàng trăm buổi tập huấn về khoa học kỹ thuật và công nghệ mới. Vận động hội viên, nông dân tham gia 286 mô hình cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa tập trung; khuyến khích nông dân tham gia thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất; chỉ đạo, hướng dẫn thành lập 04 HTX và 92 tổ hợp tác với 1.328 thành viên tham gia; 31 tổ Hội nghề nghiệp với 661 thành viên tham gia. Vận động nông dân tham gia các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đã xuất hiện nhiều hộ nông dân liên kết với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa theo chuỗi sản phẩm an toàn có thương hiệu uy tín trên thị trường; điển hình là mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định giữa Công ty TNHH Toản Xuân với trên 1.000 hộ nông dân, trên diện tích gần 2.000 ha; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến nông sản của Công ty Minh Dương; mô hình tổ hợp tác liên kết sản xuất - tiêu thụ sản sảm cá Bống bớp với quy mô trên 200 ha ở huyện Nghĩa Hưng…

Từ phong trào, nhiều đơn vị có những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả và đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của nông dân. Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có quy mô sản xuất lớn, với số vốn hàng tỷ đồng, thu nhập hàng năm từ trăm triệu đồng trở lên, tạo việc làm tại chỗ cho hàng chục, có hộ hàng trăm lao động. Tiêu biểu như:

Ông Nguyễn Văn Công - xóm Đức Thuận, xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu phát triển trang trại VAC kết hợp chăn nuôi với trồng trọt; hiện  nay, trang trại có khoảng 50 nghìn con gà đẻ, 5.000 con vịt đẻ; 3 sản phẩm đạt OCOP gồm trứng gà quê Công Phượng, trứng vịt quê Công Phượng, trứng gà cao cấp Công Phượng; tổng doanh thu năm 2019 đạt trên 24 tỷ đồng.

Ông Triệu Đình Hợi - thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản đã phát triển mô hình nuôi thỏ giống New Zealand, thu lãi mỗi năm khoảng 1,4 tỷ đồng; hiện tại, gia đình ông sở hữu trang trại nuôi thỏ rộng 2 ha, tổng đoàn ổn định 800 con sinh sản, hơn 7.000 con thương phẩm.

 Ông Bùi Văn Sớm - xóm 12 xã Hải Quang huyện Hải Hậu với mô hình trồng, thu mua, sấy cây Đinh Lăng dược liệu kết hợp nuôi cá với quy mô 4ha, thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động thường xuyên; trực tiếp đứng ra bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra luôn ổn định, tạo mối liên kết trong sản xuất theo chuỗi.

Ông Hoàng Duy Thắng - thôn Hạ, xã Yên Khánh huyện Ý Yên xây dựng mô hình VAC kết hợp chăn nuôi lợn nái, lợn thương phẩm, nuôi cá, ba ba và trồng rau màu; lợi nhuận thu được hàng năm trên 1,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Sơn - thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng xây dựng thương hiệu cá bống bớp Sơn Nguyệt; ông thu mua, bao tiêu sản phẩm cho 29 hộ tại thị trấn Rạng Động; năm 2018, ông đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng Cúp Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2015, 2016, 2017 và biểu dương tấm lòng vàng vì nông dân Việt Nam.

Ông Trần Văn Quyên, xóm Nội, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc với mô hình nuôi cá trắm đen, cá koi, tôm thẻ chân trắng… lợi nhuận đạt 1,52 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 18 lao động thường xuyên; ông đứng ra tuyên truyền, vận động các hộ cùng sản xuất, kinh doanh trong xã thành lập tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Tiền Phong với 14 thành viên, giải quyết việc làm cho 107 lao động nông nghiệp ở địa phương…

Phong trào đã góp phần thúc đẩy việc thành lập các loại hình trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ nông dân SXKDG đã thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông thôn. Xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới đem lại thu nhập cao, một số hình thức hợp tác mới trong nông nghiệp, nông thôn được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Tiêu biểu như: Mô hình chăn nuôi lợn sạch bằng thảo dược theo quy trình VietGap kết hợp trồng trọt của ông Nguyễn Văn Thục - xóm 4 xã Trực Thái huyện Trực Ninh với quy mô trên 250 con, mỗi năm tiêu thụ 70 - 80 tấn thịt lợn thương phẩm; thành lập được Hợp tác xã chăn nuôi đa dạng sinh học Trực Thái; xây dựng cửa hàng nông sản Trực Thái để giới thiệu sản phẩm nông sản sạch VietGap và OCOP. Mô hình THT sản xuất kinh doanh hoa cây cảnh Điền Xá , huyện Nam Trực với 21 thành viên. Mô hình THT trồng cây dược liệu Đinh Lăng xóm 3 xã Hải An, huyện Hải Hậu với 34 thành viên trồng, chăm sóc, thu hái và tiêu thụ các sản phẩm Đinh Lăng dược liệu. Mô hình HTX nuôi trồng thủy sản Huy Bình - xóm Thượng thôn An Duyên xã Đại An, huyện Vụ Bản với 7 thành viên; hoạt động chính của HTX là nuôi trồng thủy sản gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung dịch vụ thủy nông và dịch vụ vật tư, thuốc BVTV, cây, con giống. Mô hình THT dịch vụ vật tư nông nghiệp xã Giao Phong huyện Giao Thủy với 26 thành viên, kinh doanh vật tư, phân bón, thuốc BVTV đảm bảo chất lượng sản phẩm cung cấp cho nông dân; có 05 hội viên nông dân tiêu biểu của tỉnh được bình chọn “Nông dân Việt Nam xuất sắc” Toàn quốc (bà Mai Thị Nhung - xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường; ông Lê Huy Điệp - xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy; ông Nguyễn Văn Sơn - thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng; ông Nguyễn Văn Công - xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu; ông Trần Văn Quyên - xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc) và 03 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được chọn là “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu xuất sắc” (Cá bống bớp Sơn Nguyệt; gạo sạch Toản Xuân; nước mắm Ninh cơ). Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2019, giới thiệu, tôn vinh, biểu dương 40 cá nhân, tập thể có ý tưởng sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo được hiện thực hóa và khởi nghiệp thành công, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động.

Có thể khẳng định rằng, phong trào đã giúp nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, tích cực khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương và nội lực gia đình; biết sử dụng lao động một cách hợp lý, sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả, quen dần với hạch toán sản xuất, kinh doanh; sáng tạo trong vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững. Mỗi năm, phong trào đã thu hút trên 150 nghìn hộ nông dân đăng ký tham gia và có trên 50% số hộ đăng ký tham gia đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 81.706 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, bằng 21,6% so với hộ nông dân. Qua đó, góp phần tích cực vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao mức sống cho nông dân.

Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã giúp 12.500 lượt hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ về mô hình sản xuất, về giống, vốn; tạo việc làm cho 157.000 Lao động; giúp trên 5.000 hộ vươn lên thoát nghèo. Với tinh thần “Đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ, tương thân, tương ái”, Hội trực tiếp đóng góp ủng hộ hàng nghìn con giống các loại, hàng ngàn ngày công và hàng chục tỷ đồng cho hàng ngàn lượt hội viên nghèo, hộ khó khăn về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tạo điều kiện giúp hộ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn nâng cao mức sống, vươn lên thoát nghèo. Những năm qua, các cấp Hội đã triển khai xây dựng quỹ Mái ấm nông dân với tổng số gần 01 tỷ đồng đểhỗ trợ nâng cấp 24 căn nhà “Mái ấm nông dân” và trao tặng nhiều con giống cho giá trị cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn; tặng 428 chiếc xe đạp cho con em hội viên nông dân vượt khó vươn lên trong học tập với số tiền gần 500 triệu đồng; hỗ trợ nâng cao mức sống cho  trên 1.000 hội viên nông dân với số tiền trên 750 triệu đồng. Nhân dịp tết nguyên đán hàng năm, các cấp Hội trực tiếp tặng 1.655 suất quà với tổng số tiền là 4,9 tỷ đồng . Phát động hội viên nông dân ủng hộ 95,9 triệu đồng quỹ từ thiện “Hạt thóc vàng”. Đặc biệt, năm 2020, nhân dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh phối hợp với Hội Khuyến học trao tặng 1.000 suất học bổng khuyến học (01 tỷ đồng) cho cho học sinh tiểu học vượt khó hiếu học năm 2020. Từ đó, đã góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu trong hội viên nông dân. Xuất hiện nhiều hội viên nông dân có ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo như: ông Nguyễn Hồng Phú - Thôn Ngọc Chuế, xã Yên Nghĩa, huyện Ý Yên; bà Vũ Thị Thanh - xóm 13, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực; ông Nguyễn Văn Hưng - Thôn Trung Cấp, xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản…

Các cấp Hội tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, hiến đất làm đường giao thông và nội đồng, chấp hành tốt các chủ trương về giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án; tham gia đóng góp ngày công, đối ứng kinh phí để làm đường bê tông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương. Kết quả các hộ nông dân đã tham gia góp hơn 2.000 ha đất nông nghiệp, hiến 150 ha đất thổ cư  làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi...

Có thể khẳng định, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, tổ chức Hội Nông dân từ tỉnh tới cơ sở không ngừng được củng cố và phát triển; vai trò, vị thế của tổ chức Hội ngày càng được phát huy và nâng cao, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày một vững mạnh, được các cấp uỷ đảng, chính quyền đánh giá cao. Nhiều tổ chức Hội các cấp được công nhận là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của địa phương nhiều năm liền. 

VK