00:00 Số lượt truy cập: 2662875

Hội thảo “Kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch giai đoạn 2016 – 2020, định hướng 2021 – 2025” 

Được đăng : 09/10/2020

hoi-thao

Sáng ngày 8/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch tổ chức hội thảo “Kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch giai đoạn 2016 – 2020, định hướng 2021 – 2025”. Tham dự hội thảo có lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ NN-PTNT; đại diện các Cục, Viện, Hiệp hội, Sở NN&PTNT, các nhà khoa học và doanh nghiệp.

 Trong nội dung bài phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Tin, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ NN-PTNT nêu rõ:

Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch là hai lĩnh vực được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành Khoa học công nghệ rất quan tâm. Nhờ sự quan tâm và định hướng của Chính phủ, trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch trong 5 năm 2016-2020, chúng ta đã đạt được một số thành tựu như: Cơ giới hóa trong nông nghiệp đã được áp dụng ở nhiều khâu trong sản xuất, đặc biệt là trong sản xuất lúa, trong khâu làm đất, thu hoạch, một số khâu cấy, chăm sóc, phun thuốc. Việc áp dụng công nghệ sau thu hoạch cũng đã phát triển khá mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt trong chế biến, chế biến sâu với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp với mức đầu tư rất lớn tạo ra những sản phẩm chất lượng, có giá trị phục vụ xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn một số vấn đề cần nghiên cứu cải thiện như: cơ giới hóa trong sản xuất vẫn chưa đồng bộ; cơ khí trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu về máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp về chủng loại, số lượng, chất lượng; chế biến sâu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, mới dừng ở mức 10%; phần lớn nông sản xuất khẩu thô; tổn thất sau thu hoạch còn ở mức khá cao, khoảng 20%.

Nhằm thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ lĩnh vực cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp như: Đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Hình thành các chương trình nghiên cứu khoa học với quy mô, tầm ứng dụng lớn, và thời gian dài hơn; Phát triển công nghiệp chế tạo máy, công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho nông nghiệp; Đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa sản xuất để sản xuất ra các sản phẩm phong phú về chủng loại, hạ giá thành sản phẩm, áp dụng ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của các thị trường trên thế giới.”

Cũng tại hội thảo, các đại biểu trình bày tham luận tập trung vào một số vấn đề như: Xu hướng phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thực trạng chế biến, bảo quản rau quả và định hướng phát triển; hiện trạng và xu hướng công nghệ trong lĩnh vực máy nông nghiệp; các cơ chế chính sách thúc đẩy cơ khí nông nghiệp; một số kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ nổi bật của Viện giai đoạn 2015 – 2020 và định hướng phát triển trong thời gian tới./.

                                                                                                                                                  (Ánh Dương)