00:00 Số lượt truy cập: 2670007

Kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời áp mái 

Được đăng : 24/11/2020

dien-ap-mai

Trung bình bức xạ năng lượng mặt trời vào 4,3-4,9 kWh/m2/ngày, với số giờ nắng bình quân từ 2.200 - 2.500 giờ/năm 

Ngày 24-11, Sở Công thương phối hợp Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh, Công ty Điện lực Hậu Giang tổ chức Hội thảo chuyên đề “Kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh Hậu Giang” nhằm đề cập các thông tin về xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới cơ hội và thách thức cho Việt Nam, lợi ích và cơ hội phát triển năng lượng sạch.

Thông qua các tham luận về “Xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”, “Lợi ích và cơ hội phát triển năng lượng sạch”; “Công cụ tính toán đầu tư điện mặt trời mái nhà”, “Phát triển điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp: “Mô hình - tiềm năng phát triển”… hội thảo đã tập trung đánh giá về thực trạng, tiềm năng, tình hình triển khai điện mặt trời áp mái; cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà tại Hậu Giang; quy trình, thủ tục đấu nối, ký kết hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); kế hoạch tổng thể phát triển, mô hình kinh doanh. Qua đó, giúp có cái nhìn tổng quan hơn về bức tranh phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo trên toàn cầu, cả nước và tại tỉnh Hậu Giang. Hội thảo cũng thảo luận và đề xuất các giải pháp thúc đẩy, phát triển điện mặt trời mái nhà tại Hậu Giang, nhằm thực hiện chuyển dịch năng lượng sạch, bền vững, đặc biệt là phát triển điện mặt trời phân tán và kết hợp sản xuất nông nghiệp tại Hậu Giang, giới thiệu và kêu gọi đầu tư vào mô hình này tại địa phương.

Hiện nay, trung bình bức xạ năng lượng mặt trời vào 4,3-4,9 kWh/m2/ngày, với số giờ nắng bình quân từ 2.200 - 2.500 giờ/năm nên Hậu Giang có lượng bức xạ tốt, thích hợp cho việc phát triển điện mặt trời. Trong bối cảnh ngành điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm nguồn cung ứng điện thì việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời, điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phầnlàm đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng, đặc biệt là nguồn năng lượng sạch, nâng cao khả năng cung ứng nguồn điện cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Việc kết hợp sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời nhằm tối đa hóa lợi nhuận trên cùng diện tích đất sản xuất, đa dạng hóa các nguồn năng lượng, nâng cao khả năng cung ứng nguồn điện cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Hơn nữa, điện mặt trời là loại năng lượng sạch, giá thành sản xuất điện năng không biến động theo sự thay đổi của giá nhiên liệu đầu vào như các dạng năng lượng truyền thống khác và chi phí đầu tư luôn được giảm theo thời gian nhờ sự phát triển của công nghệ sản xuất pin quang điện.

Theo Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, đến nay, tỉnh đang thu hút đầu tư 9 dự án điện mặt trời lớn; trong đó có 3 dự án được Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch điện VII; 3 dự án đang trình Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia; còn 3 dự án đang tiếp cận đầu tư. Riêng về điện mặt trời áp mái trên các trang trại nông nghiệp đến nay có 96 nhà đầu tư đến tìm hiểu và xin chủ trương đầu tư với tổng công suất đăng ký 212MW. Đến nay, Công ty Điện lực Hậu Giang đã cho phép 50 nhà đầu tư đấu nối lên lưới điện 22 kV với tổng công suất 45MW. Điện mặt trời trên mái nhà hộ gia đình, nhà xưởng có 563 khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, tổng công suất 13.599 kWp....

Sau hội thảo, tỉnh sẽ chỉ đạo các ban ngành đơn vị liên quan của tỉnh tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến các chính sách khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời của Nhà nước; tích cực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp và các hộ gia đình nhanh chóng thực hiện các dự án điện mặt trời nói chung, đặc biệt là các dự án điện mặt trời mái nhà. Triển khai chặt chẽ, đúng pháp luật, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm, công khai, minh bạch trong các thủ tục pháp lý đầu tư…

Mạnh Hùng