00:00 Số lượt truy cập: 2666665

Kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh miền Trung 

Được đăng : 29/11/2021
Sáng 27/11, tại TP Vinh, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh khu vực miền Trung bằng hình thức trực tuyến. Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Về phía Bộ NN&PTNT có đồng chí Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản.

 bnatrainhsang78469271762020

 Trà Minh Sáng- sản phẩm OCOP của tỉnh Nghệ An

 

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, sản lượng trồng trọt của miền Trung chiếm 20,1% tổng sản lượng cả nước; sản lượng chăn nuôi của miền Trung chiếm 21,2% tổng sản lượng cả nước; sản lượng thủy sản của miền Trung chiếm 22,1% tổng sản lượng cả nước; sản lượng gỗ của miền Trung chiếm 57,5% tổng sản lượng cả nước. Miền Trung là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển các mặt hàng nông sản. Thời gian qua, tại các tỉnh miền trung đã hình thành những vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa tập trung, an toàn, có chứng nhận, gắn với truy xuất nguồn gốc.

Tại Nghệ An, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tập trung hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với những sản phẩm chủ lực, có lợi thế gắn với việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Bà con nông dân và các doanh nghiệp, HTX đã luôn chủ động xây dựng và quảng bá thương hiệu, áp dụng giống mới, nâng cao chất lượng, mẫu mã, đăng ký sở hữu trí tuệ và dán tem truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân đã sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP…

Tỉnh Quảng Trị cũng có nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và giá trị kinh tế cao như: Chuối mật mốc ở Hướng Hóa, bơ ở Hướng Hóa, Gio Linh; cam, bưởi ở Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng... Việc phát triển diện tích và chất lượng sản phẩm cây ăn quả luôn được tỉnh quan tâm, xác định đây là nhóm cây trồng chủ lực để hình thành các vùng sản xuất tập trung, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả có giá trị.

Diễn đàn là dịp để các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp của các địa phương gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp các tỉnh bạn để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, các đặc sản của địa phương; tạo điều kiện cho các đơn vị, bà con nông dân liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu nông, thủy sản trong và ngoài nước.

Tham luận tại Diễn đàn, đại diện các siêu thị, chuỗi cửa hàng  cho biết, các mặt hàng nông sản miền Trung khá đa dạng, chất lượng tốt, được người tiêu dùng ủng hộ khá tích cực như rau xanh, trái cây; các mặt hàng thuỷ hải sản như cá, mực, tôm... đã tăng cao, do khách hàng đã kiểm chứng được chất lượng và giá cả... Để phát huy được tiềm năng và thế mạnh của hàng hoá nông lâm, thuỷ hải sản của khu vực miền Trung, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ các nhà sản xuất về mặt chiến lược, định hướng và hỗ trợ chuyên sâu về các khâu trong chuỗi cung ứng từ chế biến, sản xuất đến bảo quản hàng hoá, vận chuyển đến các trung tâm bảo quản hoặc các chuỗi cung ứng hậu cần đảm bảo chất lượng hàng hoá đến tay người tiêu dùng nhanh nhất và đạt hiệu quả về giá trị cung ứng.

Tại Diễn đàn, Bộ NN&PTNT cũng đã đưa ra các giải pháp để cơ cấu lại sản xuất, chế biến và thị trường nông sản theo chuỗi ba nhóm sản phẩm. Thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp theo hướng “Nông dân – Hợp tác xã – Doanh nghiệp – Quản lý nhà nước – Nhà khoa học; Tăng chất lượng – Giảm chi phí – Chế biến sâu – Phát triển thị trường”. Đề xuất xây dựng hệ thống cung ứng nông sản theo chuỗi dựa trên nền tảng Logistics hiện đại. Hoàn thiện các chính sách về sản xuất, chế biến, quản lý chất lượng và phát triển thị trường nông sản hài hòa với các cam kết quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài và mở cửa thị trường.

Đối với các địa phương cần xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung được cơ giới hóa đồng bộ, theo nhu cầu và khả năng tiêu thụ của thị trường. Đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao; tăng chế biến từ các phụ phẩm của sản phẩm nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng. Phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic phục vụ nông nghiệp. Phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tại một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của hàng nông sản…

Hoàng Anh