00:00 Số lượt truy cập: 2662287

Phát triển công nghiệp chế biến ngành hàng nông sản 

Được đăng : 19/02/2020

tin3

Chế biến cá tra xuất khẩu

Ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó, ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới và là một trung tâm chế biến sâu, logistics của thương mại nông sản toàn cầu..

Để đạt được mục tiêu đó, ngành nông nghiệp được cơ cấu lại một cách thực chất, hiệu quả hơn theo thế mạnh của vùng, miền và nhu cầu thị trường, gắn với chế biến. Hiện nay, cả nước đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn theo 3 trục sản phẩm chủ lực: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương - OCOP. Điển hình như cà phê, cao su ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ; hồ tiêu ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ; lúa gạo ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long; chè ở Trung du miền núi phía Bắc, tỉnh Lâm Đồng; điều ở Đông Nam Bộ; rau quả, cá tra, tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long… Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như tôm, cá tra, sản phẩm gỗ…. Cùng với đó, các chuỗi liên kết sản phẩm chủ lực quy mô vùng đã được xây dựng.

 

Nông sản Việt thường vẫn phải chứng kiến cảnh được mùa, mất giá. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 khiến các cửa khẩu qua đường bộ, đường hàng không đóng cửa thì sản phẩm chế biến sẽ vẫn chiếm ưu thế bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu. Đẩy mạnh sản phẩm chế biến làm tăng trị giá xuất khẩu nông sản khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều thị trường trên thế giới là giải pháp tối ưu. Ngay tại thị trường trong nước, việc tập trung vào chế biến, những hình thức mới, sáng tạo mới cho ra những sản phẩm mới đã giúp các sản phẩm nông sản tiêu thụ dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tiến hành tái cơ cấu đồng bộ, đặc biệt là có sự chú trọng vào các lĩnh vực trọng tâm như chế biến và tổ chức lại thị trường. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của nước ta có bước phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Nhiều vùng nuôi trồng, nhiều nhà máy chế biến công nghệ cao đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả. Công nghiệp chế biến, bảo quản, công nghiệp phụ trợ được nâng cao năng lực. Tăng nhanh số lượng cơ sở chế biến quy mô công nghiệp; tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu. Cho đến nay, cả nước đã có trên 43.000 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, tăng trên 13.000 doanh nghiệp so với năm 2015. Nhờ đó, tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu tăng, tỷ trọng hàng chế biến có giá trị gia tăng cao tăng mạnh. Theo đó, giá trị tăng thêm chuỗi giá trị sản phẩm qua chế biến đạt 15,3%.Sản phẩm chế biến là một trong những chủng loại hàng rau quả không chịu tác động từ đại dịch COVID-19, trị giá xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh trong quý 1/2020, với mức tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong thời gian tới, cần phải hướng đến đẩy mạnh công nghiệp chế biến, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ để nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu cho chế biến. Đồng thời đầu tư, mở rộng cơ sở chế biến đối với những ngành hàng chưa có hoặc còn thiếu công suất chế biến để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trên cơ sở thị trường tiêu thụ, các địa phương rà soát quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sản xuất cây trồng vật nuôi, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, có tính đến những tác động của biến đổi khí hậu. Từ đó, triển khai sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết, gắn sản xuất gắn với chế biến; đầu tư hệ thống hạ tầng, logistics để có thể xây dựng vùng nguyên liệu một cách bền vững. Ngoài ra cần hướng đến đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến, bảo quản. Nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần giảm thiểu các thủ tục trong các khâu kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GAP, tận dụng lực lượng lao động tại chỗ thực hiện ngay tại vườn giúp nông dân bán nông sản phục vụ trong nước, xuất khẩu.

Linh Chi