00:00 Số lượt truy cập: 2785324

Phát triển kinh tế rừng hướng tới thoát nghèo bền vững cho đồng bào Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình 

Được đăng : 16/08/2023

 

qqqq

Ảnh: Mô hình trồng rừng mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào Vân Kiều

 

Chủ trương giao đất, giao rừng cho nhân dân hai xã miền núi Trường Sơn và Trường Xuân, trong đó có đồng bào dân tộc Vân Kiều nhận được sự đồng thuận của người dân và thực sự trở thành hướng thoát nghèo nhanh và bền vững đối với người dân nơi đây.

Hai xã miền núi Trường Xuân và Trường Sơn nằm ở phía Tây của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, có địa hình rừng núi hiểm trở, đi lại khó khăn do giao thông bị chia cắt, diện tích đất tự nhiên trên 93.000 ha, chiếm 78% tổng diện tích toàn huyện. Dân số 2 xã có 1.651 hộ, 6.542 nhân khẩu gồm hai dân tộc Kinh và Vân Kiều sinh sống. Trong đó, đồng bào Vân Kiều có 781 hộ với 3.154 nhân khẩu.

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các chương trình dự án nên cuộc sống của bà con đã có sự chuyển biến đáng ghi nhận. Trong chương trình hành động, Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào thiểu số giai đoạn 2011-2015. Chủ trương giao đất, giao rừng cho dân thực sự trở thành cứu cánh, định hướng thoát nghèo nhanh và bền vững đối với đồng bào. Theo đó, rừng được chuyển giao lại cho cộng đồng, rừng được đưa về tận từng hộ gia đình. Từ đây, cuộc sống ấm no hạnh phúc đang đến với các bản làng và trong mỗi gia đình đồng bào dân tộc Vân Kiều.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Quảng Ninh cho biết: Chủ trương giao đất, giao rừng cho bà con đồng bào 2 xã miền núi Trường Sơn và Trường Xuân nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân. Chủ trương này tạo điều kiện để bà con yên tâm định canh, định cư, đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, huyện Quảng Ninh đã giao 2.905 ha rừng tại hai xã Trường Xuân và Trường Sơn. Trong 2.000 ha được giao cho xã Trường Sơn có 1.300 ha rừng cộng đồng ở các thôn, bản Khe Cát, Cổ Tràng, Sắt, Long Sơn và Trung Sơn; số diện tích còn lại được giao đến tận hộ gia đình; giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 525 hộ với diện tích 1.527 ha để khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng kinh tế.

Chủ trương giao đất, giao rừng xuất phát từ thực tế nên rất hợp lòng dân, người dân phấn khởi trồng cây gây rừng, bảo vệ và chăm sóc rừng. Cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ rừng, không ai có thể vào phá hoại trong diện tích rừng thuộc quyền sở hữu của đồng bào, của cộng đồng làng bản, theo đó độ che phủ của rừng ngày càng tăng lên.

Sau khi giao đất, giao rừng, Ủy ban Nhân dân huyện Quảng Ninh đã hỗ trợ cây giống, hướng dẫn các thôn, bản nhanh chóng bắt tay vào khoanh nuôi, bảo vệ rừng cộng đồng bằng quy ước do chính cộng đồng thôn, bản thảo ra và thông qua. Đất rừng giao đến từng hộ dân, bà con trồng keo, sắn, tràm, theo phương châm lấy ngắn nuôi dài.

Ông Hồ Văn Bền - Trưởng bản Cổ Tràng, xã Trường Sơn phấn khởi cho biết: Nhận được sổ đỏ của Nhà nước bàn giao rừng cộng đồng, bà con dân bản rất vui mừng. Bà con phấn khởi chăm lo trồng cây gây rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Bản cũng đã xây dựng quy ước và thành lập ban bảo vệ rừng cộng đồng, thay nhau canh giữ góp phần hạn chế được tình trạng chặt phá rừng.

Có thể khẳng định rằng, chủ trương giao đất, giao rừng cho nhân dân hai xã miền núi của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã thực sự trở thành hướng thoát nghèo nhanh và bền vững đối với người dân. Để góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương, cùng với việc tiếp tục giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình và cộng đồng, cần có biện pháp hỗ trợ đồng bào sản xuất, tiến tới xây dựng mô hình kinh tế rừng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới.

Minh Hưng