00:00 Số lượt truy cập: 3015929

Phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” ở Thừa Thiên Huế 

Được đăng : 04/12/2023

thang-12

Phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” tạo sự lan tỏa tích cực trong công tác giảm nghèo của tỉnh Thừa Thiên Huế 

Trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện có hiệu quả những chương trình, kế hoạch trong công tác giảm nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo tại nhiều địa phương trong tỉnh chưa thực sự bền vững, còn nguy cơ tái nghèo. Đời sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác giảm nghèo bền vững cho các tầng lớp nhân dân, trong đó huy động sự tham gia tích cực của các dòng họ, dòng tộc, già làng, trưởng bản, trưởng thôn, người có uy tín vào công tác giảm nghèo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các huyện ủy, thị ủy và thành ủy trên địa bàn xây dựng kế hoạch phát động phong trào "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo" từ cấp huyện đến cấp xã.

Theo Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh, mục đích chính của cuộc vận động này là thay đổi cách làm ăn và suy nghĩ của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, nâng cao trách nhiệm bản làng, dòng họ, người có uy tín trong việc động viên con em tự vươn lên thoát nghèo. Phong trào kích thích thi đua sản xuất vượt khó vươn lên trong cuộc sống, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ; tạo thi đua giữa các làng, bản, dòng họ để khơi dậy lòng tự tôn, tự ái trong mỗi người dân.

Hưởng ứng cuộc vận động,đã có 9/9 huyện, thị xã và thành phố, 131/141 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức lễ phát động phong trào "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo". Từ thực tiễn, một số địa phương trong tỉnh đã lồng nghép các nội dung, có sự đổi mới, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện phong trào phù hợp với thực tế, thành ủy Huế triển khai phong trào "Dòng họ, dòng tộc không có hộ nghèo, người nghiện ma túy và trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật"; huyện A Lưới đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai phong trào "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo và không có ma tuý"…

Bí thư Huyện ủy A Lưới Huỳnh Công Quảng cho biết, phong trào "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo" được Ban chỉ đạo giảm nghèo của huyện đặc biệt quan tâm, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các dòng họ, dòng tộc, làng, bản, nhất là vai trò của trưởng họ, trưởng thôn, trưởng xóm, người có uy tín trong cộng đồng về thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Thông qua phong trào, các địa phương đã nâng cao vai trò các già làng, trưởng họ, coi họ như "cánh tay nối dài" trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước ở địa bàn miền núi, vùng biên giới của Thừa Thiên Huế. Già làng Hồ Văn Hạnh, ở xã Trung Sơn, huyện A Lưới chia sẻ: Chúng tôi luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của người trưởng họ, trưởng tộc để vận động người dân trong thôn, bản xây dựng nông thôn mới. Tuy khó khăn, nhưng vì trách nhiệm chung, chúng tôi vận động người dân hiến đất, giải phóng mặt bằng xây dựng đường bê-tông nông thôn giữa các làng với nhau; phát triển kinh tế gia đình, cố gắng vươn lên thoát nghèo, bỏ dần các hủ tục, mê tín, dị đoan. Ðây là nỗ lực rất lớn của người có uy tín trong các dòng tộc, dòng họ.

Đánh giá về kết quả đạt được sau một năm triển khai phong trào, Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: sự quyết tâm nỗ lực trong hơn 1 năm qua của các dòng tộc, dòng họ trong giảm nghèo bền vững đã cho thấy sự vươn lên xây dựng kinh tế, đời sống người dân sung túc hơn, người dân có việc làm, đùm bọc nhau trong cuộc sống, xã hội bình yên hơn. Qua đó đã thể hiện được vai trò quan trọng của trưởng họ, người có uy tín… trong triển khai thực hiện các phong trào, góp phần lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Ngoài ra, trong thời gian tới cần thực hiện phong trào "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo" đi vào chiều sâu, chú trọng xây dựng mô hình "Dân vận khéo" gắn với xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững phù hợp với điều kiện của mỗi dòng họ, dòng tộc, làng, bản".

 

Phương Anh