00:00 Số lượt truy cập: 2662964

Quảng Ninh: Các đơn vị tham gia OCOP đã tạo việc làm cho gần 4.000 lao động 

Được đăng : 15/02/2020

 

Phát huy những kết quả bước đầu, để tiếp tục phát triển Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) theo hướng bền vững, vừa qua UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản phê duyệt danh mục các sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và định hướng sản phẩm OCOP  cấp quốc gia giai đoạn 2018 - 2020. 
 
Hội ND quảng Ninh tham gia thúc đẩy chương trình OCCOP của tỉnh

Theo đó, danh mục chuỗi sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh của Quảng Ninh bao gồm 12 sản phẩm: Du lịch làng quê Yên Đức và các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa làng quê; gốm sứ mỹ nghệ; nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh và các sản phẩm từ nước khoáng Quang Hanh; mực và các sản phẩm từ mực; ba kích và các sản phẩm từ ba kích; chè Đường Hoa và các sản phẩm từ chè; hàu và các sản phẩm từ hàu; miến dong Bình Liêu; ngọc trai Hạ Long và các sản phẩm chế tác từ ngọc trai; lợn Móng Cái và các sản phẩm từ lợn Móng Cái; trà hoa vàng và các sản phẩm từ trà hoa vàng; gà Tiên Yên và các sản phẩm từ gà Tiên Yên.
 

Đặc biệt, Quảng Ninh đã triển khai tổ chức Tuần xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh năm 2018 với thời gian 3 ngày/tuần (vào các ngày cuối tuần của tháng) theo hình thức chuỗi sự kiện lưu động tại nhiều địa phương như: thị xã Đông Triều, Quảng Yên, huyện Hải Hà, thành phố Móng Cái và Cẩm Phả…

 
Hoạt động này đã trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các khu vực chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu dân cư.

 
Cùng với đó, để mở rộng và phát triển Chương trình OCOP, Quảng Ninh còn thực hiện cơ chế hỗ trợ để đưa các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại mỗi địa phương.

 
Nhờ đó, việc mua các sản phẩm OCOP cũng ngày càng dễ dàng hơn. Nhờ đó, hệ thống cơ sở vật chất tại các điểm bán sản phẩm đã từng bước được đầu tư kiên cố, khang trang, lịch sự, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước.

 
Đến nay, toàn tỉnh có 167 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất và 421 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 196 sản phẩm đạt sao (8 sản phẩm 5 sao, 62 sản phẩm 4 sao và 126 sản phẩm 3 sao); thực hiện dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho trên 90% các sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh có 32 trung tâm và điểm bán hàng OCOP.

 
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tăng cường hỗ trợ các sản phẩm được xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP bước đầu đã tiếp cận được thị trường, các sản phẩm này đều đạt chuẩn tiêu chí về VSATTP, kiểu dáng, nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ và được công bố hợp quy hoặc quy định phù hợp.

 
Hiện nay, nhiều sản phẩm như: Nước mắm Cái Rồng, miến dong Bình Liêu, chả mực Hạ Long... đã dần khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường thông qua việc tiêu thụ ổn định tại hệ thống siêu thị BigC, chuỗi cửa hàng tiện ích, cửa hàng nông sản sạch, nhà hàng, khách sạn...

 
Doanh thu từ sản phẩm OCOP tại Quảng Ninh liên tục tăng qua các năm. Đặc biệt, trong năm 2018, doanh thu từ sản phẩm OCOP toàn tỉnh ước đạt khoảng trên 500 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2017.

 
Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP đã trực tiếp tạo việc làm cho gần 4.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng.
 
 
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, thực tiễn tại Quảng Ninh, kinh tế khu vực nông thôn phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Trong nhiều năm, thu nhập và đời sống người dân nông thôn còn thấp, sản xuất theo quy mô hộ gia đình là chủ yếu, năng suất lao động, giá trị canh tác trên đơn vị diện tích còn thấp.

 
Các sản phẩm của địa phương chủ yếu vẫn là sơ chế, chưa được chế biến sâu, bao bì mẫu mã sản phẩm còn đơn giản chưa có thương hiệu; Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương; Số doanh nghiệp và hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, chưa đạt điều kiện nhà sản xuất.

 
Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương ở Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo lập môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi cho phát triển Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”.

 
Trong đó, hướng mạnh vào việc tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai, tín dụng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đồng thời, ưu tiên các giải pháp thiết thực về khoa học, công nghệ, thị trường để các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP có điều kiện thuận lợi nhất trong phát triển sản xuất, mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội.
Nguồn http://www.hoinongdan.org.vn/