00:00 Số lượt truy cập: 2668602

Quảng Ninh: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp 

Được đăng : 19/08/2021
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã tạo đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao hiệu quả lao động trong nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hàng hóa lớn, sức cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần bảo vệ môi trường.

 

17a9304e88fdd523c9b98803b483fe8b
Mô hình trồng rau thủy canh của Công ty CP đầu tư, xây dựng và thương mại 188 thị xã Đông Triều
 

 

Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển khoa học, công nghệ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 được triển khai từ tháng 3-2017, trong đó mục tiêu ưu tiên là thành lập các khu NNCNC tạo nên làn gió mới cho doanh nghiệp NNCNC. Với nghị quyết này, Quảng Ninh dành đến 6-7% chi ngân sách thường xuyên, tương đương 600-800 tỷ đồng mỗi năm cho KHCN, trong đó có nông nghiệp. Tỉnh đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy việc hình thành các khu NNCNC. Đến nay, tỉnh đã có 2 khu NNCNC tại TX Đông Triều và huyện Đầm Hà đã được đưa vào hoạt động, với hệ thống khu sản xuất đầu tư đồng bộ, hiện đại, mang lại hiệu quả sản xuất cao và hàng chục mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong doanh nghiệp và nông hộ, hàng trăm nông sản có giá trị lớn…

 Các mô hình NNCNC ngày càng phát triển theo chiều sâu, giàu hàm lượng khoa học, công nghệ trong từng sản phẩm; sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, tạo thành các vùng sản xuất có chất lượng tốt và an toàn.  Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã chủ động đổi mới, mạnh dạn áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Tiêu biểu như Công ty CP Thủy sản và Thương mại Hạ Long (TP Hạ Long) đầu tư hệ thống nuôi tôm tuần hoàn trong nhà (ISPS), quản lý, kiểm soát chất lượng nước tự động hóa theo công nghệ Nhật Bản cho năng suất thu hoạch đạt gần 200 tấn/ha/năm, tiết kiệm chi phí gần 30%; Tập đoàn Vingroup trở thành doanh nghiệp tiên phong hình thành và đưa khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Vineco (Hồng Thái Tây, TX Đông Triều) vào hoạt động, giúp Quảng Ninh ghi điểm với khu NNCNC đầu tiên. Hiện Vineco làm chủ hàng chục quy trình sản xuất tự động, sản phẩm đạt 180-200 tấn rau, củ quả mỗi tháng, 70% trong đó có mặt tại các siêu thị lớn. Công ty CP Phát triển Agritech (TP Hạ Long) sản xuất giống hoa lan cao cấp bằng công nghệ invitro và kiểm soát môi trường tự động của Đài Loan, công suất đạt trên 1 triệu cây giống/năm, tiết kiệm chi phí gần 15%...

Ngành nông nghiệp đã tham mưu xây dựng, phát triển sản phẩm chủ lực có thế mạnh, lợi thế của địa phương gắn với 17 vùng sản xuất hàng hóa tập trung với diện tích gần 5.000ha làm cơ sở xây dựng các thương hiệu sản phẩm và tạo nguyên liệu cho việc sơ chế, chế biến, đưa nông sản đến với người tiêu dùng thông qua Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm. Đến nay toàn tỉnh có đến hơn 400 nông sản là sản phẩm OCOP, trong đó trên 200 sản phẩm trong đó đã được gắn sao. Tất cả đều là những sản phẩm nông nghiệp được kết tinh từ tiến bộ khoa học và sự chăm chút của nông dân, tạo nên chất lượng và giá trị vượt trội.

Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã được Quảng Ninh đẩy mạnh bằng việc sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, các trang trại trồng trọt sử dụng giống nuôi cấy mô, sạch bệnh, hệ thống tưới tiết kiệm, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới cho hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo môi trường. Trong 10 năm qua, đã có gần 200 nhiệm vụ KH&CN liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp được triển khai đã góp phần giải quyết "điểm nghẽn" về nhu cầu giống, phục vụ kế hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của các địa phương. Bên cạnh đó việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn được quan tâm. Thông qua các nhiệm vụ thuộc chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, đã hỗ trợ đào tạo 134 cán bộ kỹ thuật, tập huấn cho gần 3.000 hộ nông dân; các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh đã hỗ trợ đào tạo được trên 10 thạc sĩ có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo gần 100 cán bộ có kỹ năng chủ nhiệm, thư ký các nhiệm vụ KH&CN.

Mục tiêu giai đoạn tới ngành nông nghiệp Quảng Ninh sẽ tiếp tục được cơ cấu lại nhằm xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các ngành, địa phương của tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện tốt việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất, coi đây là một trong những biện pháp then chốt để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bình Nguyên