00:00 Số lượt truy cập: 2671216

Quảng Trị đẩy mạnh công tác hướng dẫn nông dân ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống 

Được đăng : 20/02/2019

 

Trong những năm qua Hội Nông dân tỉnh và Sở Khoa học & Công nghệ  đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2015-2020  ( Chương trình số 18/CTr - SKHCN - HND ngày 29 tháng 1 năm 2015); giao cho Văn phòng, phòng quản lý khoa học, Sở Khoa học & Công nghệ và Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, (từ  năm 2018) giao Ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân tỉnh là bộ phận tham mưu giúp việc cho lãnh đạo hai ngành trong việc tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung của chương trình phối hợp. Hàng năm hai ngành xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp triển khai thực hiện, cuối năm tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động.

Hội ND tỉnh đã xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học EM trong xử lý ao nuôi trồng thủy sản ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng; mô hình Trồng Sen ứng dụng phân bón vi lượng Luvina XI cho năng xuất cao tại xã Hải Thiện (Hải Lăng); mô hình nuôi dê, nuôi gia súc bằng đệm lót sinh học ở huyện Cam Lộ; Nuôi bò nhốt huyện Triệu Phong; ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm ở TP Đông Hà...;

Trung ương Hội hỗ trợ triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình: ứng dụng chế phẩm EM vào xử lý chất thải làng nghề làm bún ở Cẩm Thạch, xã Cam An, huyện Cam Lộ; chuyển giao sản phẩm BiOWiSH xây dựng mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở xã Triệu Lăng(Triệu phong), xã Cam Thanh(Cam Lộ), Vĩnh Lâm(Vĩnh Linh) và nôi tôm ở HTX Đông Giang 2, thành phố Đông Hà.

Phối hợp với Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học (Sở KHCN) chuyển giao các loại giống hoa đạt chất lượng cho Hội viên nông dân trong toàn tỉnh cao như: Hoa cúc, Lay ơn, Ly ly; các loại giống nấm như nấm sò, nấm Linh chi...

Hội Nông dân đã phối hợp vận động 12 nhóm hộ sản xuất thí điểm phương pháp canh tác tự nhiên ứng dụng công nghệ sinh học tại 4 xã là Triệu Thượng, Triệu Sơn, Triệu Trung và Triệu Tài. Các nhóm hộ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không lạm dụng phân bón hóa học; không cho gia súc, gia cầm ăn thức ăn công nghiệp, thuốc kháng sinh. Cây trồng được bón phân hữu cơ hoai mục, vật nuôi được cho ăn các loại thức ăn tự phối trộn bằng cám, gạo, ngô... với men vi sinh và phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, dịch bệnh hại vật nuôi bằng các loại chế phẩm sinh học tự chế biến từ các loại thảo mộc dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Các  mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo phương pháp hữu cơ đã thu được những kết quả tích cực và được nhân rộng.

Các cấp Hội tích cực vận động nông dân ứng dụng có hiệu quả nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất như: “1 phải, 5 giảm”, IPM, ICM, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học trong chăn nuôi và xử lý môi trường nuôi; mạnh dạn sử dụng nhiều giống mới được khảo nghiệm thành công vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Về trồng trọt, nông dân đã sử dụng các giống phù hợp với từng chân đất như: RVT, Trân Châu Hương, TL6, AC5…; giống ngô lai NK54, HN88...; giống sắn KM140, giống cao su RRIC100, RRIC121, keo lai dâm hom…; đưa giống lợn siêu nạc 3 máu ngoại thuần vào nuôi, tỷ lệ lợn lai trên tổng đàn chiếm 90%, rút ngắn chu kỳ nuôi từ 6 - 7 tháng xuống 3 - 4 tháng, thực hiện thành công chương trình nạc hóa đàn lợn;  nuôi bò bò chuyên thịt Droughtmaster; chọn nuôi nhiều giống gia cầm có năng suất chất lượng tốt như gà Lương Phượng, gà Kabir, vịt siêu trứng siêu thịt... Bảo tồn và phát triển một số giống gia cầm, gia súc địa phương có hiệu quả như lợn Vân Pa, gà ri, vịt cỏ... Trong nuôi trồng thủy sản, bà con đã sản xuất tôm giống bằng công nghệ vi sinh tại Trại sản xuất tôm giống Vĩnh Linh, chủ động về tôm giống; nuôi những loài có chất lượng cao như cua xanh, cá chép lai 3 máu, cá rô phi đơn tính dòng GIFT, cá trê lai, cá chình...ứng dụng các giống tiến bộ như: bạch đàn, keo lai, bời lời được sản xuất bằng CNSH, đẩy nhanh việc trồng rừng thâm canh, tăng nhanh hiệu quả và giá trị sản xuất lâm nghiệp…Trong khai thác và bảo quản sản phẩm thủy sản, bà con sử dụng máy dò cá Sona, máy kéo lưới vây rút, máy liên lạc bộ đàm tầm xa, cải tiến hầm bảo quản cá bằng công nghệ hỗn hợp poliurethan...Qua đó, đã góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, rút ngắn chu kỳ nuôi trồng, giảm thiểu dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; an toàn, hiệu quả trong đánh bắt thủy sản.  

Ngoài ra, Hội phối hợp hướng dẫn, xây dựng, xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm nông nghiệp canh tác sạch của các địa phương như: cam K4 Hải Lăng, rau xà lách xoong Gio An, đậu xanh lòng Triệu Vân, mứt gừng Mỹ Chánh, tiêu Cùa, cà phê Khe Sanh, chuối Hướng Hóa…cũng được triển khai thực hiện đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, cải thiện thu nhập cho người nông dân.

Thành công của các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học đang từng bước giúp thay đổi nhận thức của người nông dân, dần hướng sang phương thức canh tác nông nghiệp sạch, bền vững và theo hướng hàng hóa, từ đó nâng cao giá trị nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế, từng bước thay đổi đời sống nông dân và diện mạo nông thôn, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

 

Văn Hùng