00:00 Số lượt truy cập: 2932350

Sóc Trăng giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững 

Được đăng : 25/08/2023

ha-2

Các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Sóc Trăng đều có đường ô tô đến trung tâm xã.

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm hơn 36% dân số của tỉnh. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp thực hiện công tác chăm lo, phát triển kinh tế, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào. Đặc biệt là các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2021 - 2023, tỉnh đã giải ngân được trên 25 tỷ đồng, tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng khó khăn, tổ chức đào tạo nghề. Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giải quyết việc làm. Tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin… Đến cuối năm 2022, Sóc Trăng đã giảm được 7.270 hộ nghèo (tương đương giảm 2,19%). Cũng trong năm 2022, tỉnh giải quyết việc làm cho 946 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; 758 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được đào tạo nghề. Bên cạnh đó, tỉnh có 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế. Trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 89,66%... Tỉnh cũng đã vận dụng hiệu quả công tác xã hội hóa để xây dựng được gần 3.500 căn nhà với tổng kinh phí trên 174 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân khó khăn về nhà ở. Từ đó, giúp tỷ lệ hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn “nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng” đạt 52,59%. Thông qua việc triển khai Chương trình giảm nghèo, đời sống người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn từng bước được nâng lên, góp phần tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo trên địa bàn đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Sóc Trăng. Chính quyền cấp, đoàn thể tại các địa phương tham gia tích cực vào thực hiện công tác giảm nghèo, qua đó, xuất hiện các địa phương, cá nhân, mô hình điển hình tiên tiên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Tiêu biểu là thị xã Vĩnh Châu. Đây là địa phương vùng ven biển phía Nam của tỉnh Sóc Trăng, có 06 xã và 04 phường, với 97 ấp, khóm. Việc triển khai các chương trình mục tiêu Quốc gia được thị xã chấp hành nghiêm túc, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và liên tục. Hiện nay, thị xã có 100% xã, phường có đường ô tô đến trung tâm được trải nhựa hoặc bê tông hóa, 63% ấp, khóm có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố. 98,9% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp (trong đó hộ dân tộc Khmer là 22.051 điện kế, đạt 99%). Tỷ lệ hộ thoát nghèo hằng năm giảm từ 3 - 4 %. Các chính sách được quan tâm thực hiện, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. 

Tại huyện Long Phú, nhờ thực hiện tốt Chương trình, đời sống đồng bào Khmer trong huyện ngày càng khởi sắc. Cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện Long Phú đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, tác động tích cực đến nhận thức của cán bộ và người dân. Từ công tác tuyên truyền đã phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong thực hiện Chương trình.

Từ năm 2022 đến nay, huyện đã triển khai xây dựng 49 căn nhà ở cho hộ Khmer nghèo từ nguồn vốn được phân bổ năm 2022 và tiếp tục giải ngân trên 2,8 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho hộ đồng bào Khmer nghèo từ nguồn vốn được phân bổ năm 2023; đồng thời, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho trên 200 hộ đồng bào Khmer với kinh phí trên 2 tỷ đồng và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 65 hộ với kinh phí gần 200 triệu đồng... Nhiều công trình giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng đã tạo diện mạo khởi sắc cho vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương.

Thời gian tới, tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đề ra nhiều giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có giải pháp phát triển nông nghiệp nông thôn, triển khai các mô hình có hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị trên mỗi đơn vị diện tích đất; phát triển các mô hình luân canh, xen canh, đưa màu xuống chân ruộng thích ứng với biến đổi khí hậu; nhân rộng mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sữa trong đồng bào dân tộc Khmer đang phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, Sóc Trăng quan tâm trong kêu gọi các nhà đầu tư vào tỉnh, góp phần giải quyết lao động tại địa phương, tăng thu nhập và hạn chế tình trạng lao động địa phương, lao động ở nông thôn phải bỏ quê đi làm ăn xa, làm công nhân lao động tại các tỉnh khác; tiếp tục triển khai giải pháp phát triển du lịch, khai thác hết tiềm năng thế mạnh trong du lịch của địa phương, để tạo công ăn việc làm tại chỗ, nâng cao nhận thức của người dân trong gìn giữ cảnh quan, môi trường, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Đặc biệt, tỉnh quan tâm đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số gắn với chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; phòng chống khắc phục thiên tai, hạn hán xâm nhập mặn hạn chế rủi ro, tăng hiệu quả trong sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân./.

Phùng Hà