00:00 Số lượt truy cập: 2667992

Thái Bình: Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 

Được đăng : 03/09/2020

thaco-thai-binh
Dự án thiết kế Khu công nghiệp chuyên nông nghiệp Thaco - Thái Bình tại huyện Quỳnh Phụ

Mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025 của ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình là phát triển toàn diện, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo nâng cao giá trị gia tăng bền vững, lấy thị trường làm cơ sở để định hướng sản xuất, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu.

Là 1 trong 3 tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng, để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp CNC, những năm qua, tỉnh đã tập trung thực hiện 5 đột phá trong nông nghiệp gắn với tập trung, tích tụ đất đai, ứng dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị. Để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn đến năm 2020. Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Thái Bình xác định quan điểm, thu hút và phát triển doanh nghiệp là đột phá cho cơ cấu lại ngành và giải quyết lao động nông thôn, lấy doanh nghiệp là đầu tàu trong phát triển chuỗi giá trị.

Để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, cơ sở sản xuất giống ngao sinh sản, đóng mới tàu, mua sắm máy nông nghiệp, xây dựng cơ sở chế biến nông sản, phát triển sản xuất cây vụ đông.

Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt 100%, khâu thu hoạch đạt 80%. Các loại hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao được đẩy mạnh triển khai; xuất hiện nhiều hình thức liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để tổ chức sản xuất với quy mô lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao; các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản theo hình thức tập trung, ứng dụng công nghệ cao được nhân rộng; chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết bước đầu được chú trọng. Xây dựng, phát triển nhiều cánh đồng lớn cùng nhiều trang trại, gia trại quy mô lớn, công nghệ hiện đại; năng suất lúa và năng suất các loại cây trồng đều đạt ở mức cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh trong khu vực, góp phần cải thiện đáng kể đời sống nhân dân.

Toàn tỉnh có 43 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản có ứng dụng CNC vào sản xuất. Ngày 15/8/2020, khu công nghiệp chuyên nông nghiệp Thaco - Thái Bình đã được khởi công với mục tiêu xây dựng, thực hiện chuỗi sản xuất khép kín với sản phẩm đầu ra. Đây là dự án lớn, có tính đột phá để cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi trình độ thâm canh, giá trị sản xuất nông nghiệp không chỉ của Thái Bình mà cả khu vực đồng bằng sông Hồng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đối với một tỉnh giàu lợi thế về nông nghiệp song cũng có những điểm hạn chế cơ bản như ruộng đất còn manh mún, sản xuất mang tính chất nhỏ lẻ, thiếu nguồn lực, nhất là nhân lực có trình độ cao như Thái Bình thì  ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra các mô hình nông nghiệp CNC là nhu cầu tất yếu.Tuy nhiên, nông nghiệp CNC ở Thái Bình tỉnh đã được chú trọng đầu tư, đang trong quá trình hình thành, sản xuất nông nghiệp đã chứa đựng nhiều yếu tố công nghệ nhưng về cơ bản ở trình độ thấp.

Thời gian tới, tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt quan tâm đến các hoạt động thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vùng, khu, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy các hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, ứng dụng hiệu quả công nghệ mới tạo động lực về lợi ích để thúc đẩy khoa học công nghệ gắn bó với sản xuất, kinh doanh, hướng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm.

Bình Thanh