00:00 Số lượt truy cập: 2661414

Thực trạng và giải pháp phát triển sản xuất nho Hạ đen ở các tỉnh khu vực phía Bắc Việt Nam 

Được đăng : 04/06/2021

 

 

anh-nho2

Mô hình trồng nho Hạ đen ở Tân Yên – Bắc Giang

Cây nho là loại cây trồng ăn quả, được phân bố rộng rãi từ các nước ôn đới, cận nhiệt đới và các nước nhiệt đới, với nhiều loại giống khác nhau.

 Theo tổ chức nông lương thế giới (FAO), cây nho được trồng ở nhiều quốc gia trên thế giới diện tích trồng nho trên thế giới ước tính xấp xỉ 9.000.000 ha. Theo số liệu của FAO (2017): Trên thế giới các quốc gia có diện tích trồng nho lớn như: Tây Ban Nha trên 11000 km²; Pháp 8.640 km²; Italy 8.270 km²; Thổ Nhĩ Kỳ 8.120 km²; Hoa Kỳ 4.150 km²; Ngoài ra có IranRomaniaBồ Đào NhaArgentina, Cộng hòa nam phi, Chi lê, Australia. Ở Châu Á gồm có Trung Quốc, Nhật bản, Hàn quốc..... Hàng năm diện tích trồng nho vẫn mở rộng, với tốc độ trên 2% năm. Khoảng 70,59% sản lượng nho được dùng cho chế biến rượu, 26 % dùng ăn tươi còn lại sấy khô và làm các việc khác.

Cây nho đã được du nhập vào Việt Nam từ khoảng những năm cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 do người pháp đem về trồng ở Đà lạt và Tam đảo; sau những năm 70 của thế kỷ 19 nho được trồng nhiều ở các tỉnh như Ninh Thuận, Bình thuận, Khánh Hòa với diện tích xấp xỉ khoảng 3000 ha với nhiều giống nho khác nhau. Từ năm 2000, trở lại đây Việt Nam đã trồng một số giống nho mới như NH1 - 93, NH1 - 96, Italia, Red Star, White malaga cùng với các giống nho cũ vẫn được trồng phổ biến các tỉnh Nam trung Bộ, Lâm Đồng....

Tháng 3 năm 2017, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang đã tiến hành nhận chuyển giao công nghệ trồng và chăm sóc giống nho Hạ đen từ Viện khoa học nông nghiệp tỉnh Quảng Tây; đây là giống nho hiện đang được trồng sản xuất với quy mô lớn nhất tại Trung Quốc. Ở Việt Nam trồng thử nghiệm ở 8 tỉnh khu vực phía Bắc như: Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La, Hà Nội, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc….. Giống nho Hạ Đen thích nghi trồng ở nhiều loại đất khác nhau từ đất thịt nhẹ, đất đồi, đất cát pha, đất phù sa ven sông có độ PH từ 5,8 - 7;  Lợi ích kinh tế có thể đem lại khi vào chu kỳ kinh doanh sẽ cho thu hoạch với năng suất ước đạt trung bình 16 tấn/ha (cây 2 tuổi) sẽ cho doanh thu khoảng 1,6 tỷ đồng/ha, thu nhập cao hơn gấp từ 2 – 3 lần  so với cây trồng phổ biến như cam, vải, nhãn, xoài….. Từ năm thứ 2 trở đi sẽ năng suất cao hơn.

 

Những thách thức sản xuất nho Hạ đen tại các tỉnh khu vực phía Bắc.

Theo thống kê, ở các tỉnh đồng bằng Sông Hồng diện tích đất phù sa ven sông lớn rất nhiều, phù hợp với trồng nho Hạ đen; các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc điều kiện địa hình bán sơn địa thích hợp trồng nho hạ đen. Tuy nhiên để phát triển sản xuất nho hạ đen ở các tỉnh tỉnh khu vực phía Bắc gặp nhiều khó khăn đó là: Ở nhiều tỉnh việc quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp chưa được thực hiện hoặc có triển khai nhưng cũng chưa hình thành những vùng sản xuất lớn; Đầu tư cho sản xuất nho hạ đen rất cao (khoảng từ 35 đến 40 triệu đồng/360m2, tương đương từ 831 triệu đến1,1 tỷ đồng /ha), nên nông dân khó có khả năng đầu tư; Đây là một loại cây trồng mới, nông dân chưa có nhiều kinh nghiệm, sản phẩm có giá thành cao, nên ảnh hưởng đến sức mua của thị trường; Nho của Trung quốc đang bán tràn lan trên thị trường với giá bán lẻ từ 35 đến 40.000đ/kg do vậy ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tiêu thụ nho hạ đen; Công nghiệp chế biến nho của Việt Nam chưa phát triển do vậy việc trồng nho hạ đen chỉ phục vụ cho nhu cầu ăn tươi thì khối lượng cần không nhiều; bên cạnh đó công nghệ bảo quản của Việt Nam cũng chưa được phát triển nên không có khả năng dự trữ trong thời gian dài....

 

Giải pháp phát triển sản xuất nho Hạ đen ở các tỉnh khu vực phía Bắc.

Các tỉnh cần đẩy nhanh tập trung quy hoạch vùng sản xuất nho chất lượng cao, trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trồng nho tham gia thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, Hiệp hội trồng nho hạ đen.

Khuyến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá chính xác giá trị cây nho Hạ đen và đầu tư tập trung khuyến nông cho cây nho Hạ đen (ưu tiên đối tượng HTX, hoặc thành viên Hiệp hội nho hạ đen).

Đối với Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang đẩy mạnh công tác nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng nho hạ đen để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành nho hạ đen, nâng cao sức cạnh tranh với nho Trung quốc và các nước khác.

Tổ chức liên kết 5 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng, nhà tiêu thụ và nhà nông.

Tăng cường quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, cấp phát tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc nho hạ đen.

Hỗ trợ các trang trại, hợp tác xã trồng nho áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh để nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

Nhà nước cần có chính sách phù hợp, kịp thời và giảm bớt các điều kiện bắt buộc khi vay vốn ngân hàng để đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch.

 

 Lê Văn Khôi