00:00 Số lượt truy cập: 2896710

Ý chí thoát nghèo của anh “Bộ đội Cụ Hồ” 

Được đăng : 28/07/2023
Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ’, bằng ý chí và nghị lực phi thường, người cựu chiến binh Võ Văn Mười Một, ngụ ấp Tân Hòa A, xã Long Hưng (Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) từ một hộ nghèo, kinh tế gia đình hết sức khó khăn đã vươn lên làm giàu từ mảnh đất quanh năm ngập lụt, nhiễm phèn.

gia-bao3

Sinh ra ở xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn. Nhà đông anh em, cả gia đình mười mấy nhân khẩu mà chỉ trông chờ vào 3 công ruộng, nên làm ra hạt gạo để nuôi sống gia đình đã là niềm mơ ước. Để tìm cách mưu sinh, anh chị em ông phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi như cắt lúa mướn, đốn tràm, đào đất, sên mương... Khi mới 14 tuổi ông thoát ly gia đình đi làm giao liên cho Thị đội. Đến năm 1971 ông được chuyển sang lực lượng Trinh sát Thị đội Vĩnh Long chiến đấu cho đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Sau 10 năm chiến đấu, công tác trong quân đội, năm 1980 do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông được cấp trên cho phục viên trở về địa phương với cấp bậc Trung sĩ.

Nhớ về thời gian trước, ông chia sẻ, xây dựng gia đình vào năm 1978, cuộc sống vốn đã chẳng dư dả gì lại thêm chồng chất khó khăn khi gia đình có thêm thành viên mới. Là người lính đã trải qua biết bao gian khổ trong chiến tranh, không lẽ trong thời bình lại phải cam chịu đói nghèo. Sau biết bao trăn trở, ông quyết tâm phải tìm cách thoát nghèo. Năm 1993, hai vợ chồng ông khăn gói rời quê hương, thay nhau chèo chiếc xuồng ba lá – tài sản duy nhất - xuống xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú với ý định ban đầu là làm thuê, làm mướn để mưu sinh.

Lập nghiệp nơi đất khách với 2 bàn tay trắng, không tài sản, không vốn liếng nhưng với bản chất thật thà, chất phát cùng với tính cần cù, siêng năng vợ chồng ông được mọi người yêu mến bán thiếu cho 2,1 ha đất hoang ở lung bàu Béc Trang với giá 4,2 cây vàng trả dần sau mỗi vụ thu hoạch. Dù là mua thiếu nhưng đối với ông bà, mảnh đất là tài sản lớn, là niềm ước ao bao lâu nay. Cuộc sống gia đình chủ yếu phụ thuộc vào hơn 2ha đất bưng bin nhiễm phèn, ngập lụt, mặc dù ra sức cải tạo, chăm sóc, gieo trồng nhưng năng suất lúa vẫn rất thấp. Những lúc nông nhàn, tận dụng mùa nước nổi ông còn cắm câu, giăng lưới, thả lờ, làm thuê, làm mướn để kiếm thêm thu nhập. Ngoài việc duy trì cuộc sống, ông còn phải tích cóp dành dụm để trả nợ tiền đất, nên cuộc sống gặp vô vàn khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã.

Trước hoàn cảnh của gia đình ông Mười Một, Hội Nông dân xã Long Hưng đã thường xuyên động viên và sẵn sàng hỗ trợ vốn để mở rộng sản xuất, tạo điều kiện học tập kinh nghiệm, tìm hiểu cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng thu nhập. Đặc biệt, từ khi Nhà nước có chủ trương chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng một số loại cây, con khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn càng thôi thúc ông quyết tâm phải làm giàu ngay trên mảnh đất này. Đến năm 2003, ông bàn với vợ quyết định thay thế cây lúa bằng cây sen, kết hợp với dẫn dụ cá tự nhiên vì cây sen là loại cây mọc hoang ở các vùng ngập lũ, sức sống mạnh mẽ nên dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chỉ tốn phí đầu tiên khi xuống giống. Được vợ ủng hộ, bạn bè khuyết khích cho vay mượn vốn cùng với tiền tích lũy đầu tư trồng 21 công sen lấy gương (hạt) kết hợp với nuôi cá đồng, gà vịt và heo rừng.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, cùng với sự cần cù chịu thương, chịu khó, tìm tòi học hỏi và áp dụng tốt các biện pháp khoa học kỹ thuật, cộng với đất đai thổ nhưỡng thích hợp, nên cây sen đứng vững trên vùng đất nhiễm phèn mang lại thu nhập gấp từ 4-5 lần so với trồng lúa. y sen phát triển tốt trong thời gian 40 ngày là có thể thu hoạch ngó; 30 ngày tiếp theo lá sen phát triển nhiều bắt đầu ra bông, gương sen dần hình thành rồi già thì bắt đầu thu hoạch. Thời gian thu hoạch sen rộ trong 2-3 tháng, bình quân từ 3-5 ngày hái gương sen 1 lần tùy theo số lượng gương sen ít hay nhiều trên đồng. Trồng sen dễ bán, thu lái đến mua tận nhà với giá dao động khoảng 30.000 đồng đến 40.000 đồng/kg hạt sen. Ngoài thu nhập từ gương sen, bông sen, khi sen không có giá, gia đình ông chuyển sang chế biến sữa sen, bình quân 1 kg hạt sen khi chế biến sữa sen lãi từ 180.000 - 200.000 đồng, kết hợp với với nuôi cá tự nhiên, ốc bưu đen trên tổng diện tích hồ sen; tận dụng diện tích đất ông còn nuôi gà thả vườn để tăng thu nhập ổn định mỗi năm trên 300 triệu đồng.

Với mô hình tổng hợp hàng năm gia đình ông đã có thu nhập dần ổn định hơn, càng phấn khởi hơn khi năm 2015 gia đình ông đã thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu. Bên cạnh làm giàu cho gia đình, ông còn tạo điều kiện giải quyết hàng năm từ 8-10 lao động tại ấp có việc làm ổn định, thu nhập trong cuộc sống; góp phần cùng với chính quyền địa phương giúp từ 01-02 hộ nghèo có thu nhập ổn định cuộc sống để vươn lên thoát nghèo.

Ông Võ Văn Mười Một là tấm gương sáng, tiêu biểu cho ý chí và nghị lực của những “Người lính Cụ Hồ” trong thời bình hôm nay. Ghi nhận những nỗ lực của ông, nhiều năm liền ông được công nhận là hội viên gương mẫu, gia đình đạt chuẩn văn hóa; các giai đoạn năm 2010-2015, 2015-2020 ông đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và nhiều giấy khen do UBND huyện, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh trao tặng.

Gia Bảo