00:00 Số lượt truy cập: 2674129

258 Dự án trồng trọt đã được triển khai 

Được đăng : 03/11/2016

Qua 3 giai đoạn với 15 năm thực hiện, Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi” đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Chương trình đã thực hiện tốt việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao vào các khâu của sản xuất nông nghiệp, trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến và phát triển công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng biogas; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp, nông thôn và miền núi, hải đảo.


Trồng trọt là lĩnh vực có số dự án lớn nhất (258 dự án, chiếm tỷ lệ 30,5% tổng số dự án), với tổng kinh phí thực hiện là 835.828 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương là 316.428 triệu đồng, chiếm 37,9%; kinh phí từ nguồn địa phương là 110.964 triệu đồng, chiếm 13.3%; kinh phí huy động từ nguồn khác là 408.437 triệu đồng, chiếm 48.8%. Các dự án đã đào tạo được khoảng 2.613 kỹ thuật viên cơ sở; tập huấn kỹ thuật cho 82.350 lượt nông dân tại các đại bàn dự án; triển khai chuyển giao và tiếp nhận 1.390 quy trình công nghệ; xây dựng được 732 mô hình và đã tổ chức hàng trăm hội nghị đầu bờ để khuyến cảo kết quả tới cộng đồng dân cư trên địa bàn. Trong lĩnh vực trồng trọt, phân loại theo cây trồng có các dự án chủ yếu sau:

-Đối với cây lương thực: có 51 dự án được triển khai trên địa bàn các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Thái Bình, Gia Lai, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Các dự án đã sản xuất và chuyển giao được giống mới, sạch bệnh đến người dân như: giống lúa lai, lúa thuần, lúa đặc sản, ngô lai, khoai tây, khoai môn, khoai sọ Cụ Cang, sắn cao sản.

-Đối với cây rau: trước tình trạng nhiều sản phẩm rau tiêu thụ trên thị trường gây ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng, các dự án trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap đã được triển khai đảm bảo các yêu cầu: sạch, an toàn về chất lượng, hấp dẫn về hình thức. Đã có 35 dự án được triển khai trên địa bàn các tỉnh, thành phố Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Cần Thơ. Các dự án đã đào tạo, tập huấn cho hàng nghìn lượt nông dân về kỹ thuật trồng rau sạch, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thực hiện dự án.

-Đối với cây hoa: đã có 34 dự án được triển khai trên địa bàn các tỉnh, thành phố Sơn La, Hưng Yên, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Lâm Đồng. Các dự án đã chuyển giao các kỹ thuật về nhân giống, trồng, chăm sóc và bảo quản hoa ở quy mô hộ gia đình, quy mô công  nghiệp. Đối với loại hoa chất lượng cao (như hoa lan Hồ điệp), dự  án còn hỗ trợ các đơn vị xây dựng và áp dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào để sản xuất giống, hỗ trợ xây dựng các mô hình trồng hoa trong nhà lưới với hệ thống phun sương, điều khiển nhiệt độ, ánh sáng tự động, hiệu quả. Nhìn chung, các dự án trồng hoa đều mang lại giá trị kinh tế cao, được nhiều người dân ủng hộ, áp dụng nhưng để có thể nhân rộng sản xuất ở quy mô công nghiệp thì đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và sự năng động của đơn vị chủ trì dự án.

-Đối với cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu, bông, điều, chè): đã có 34 dự án được triển khai trên địa bàn các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Thái Nguyên, Hòa Bình Đắk Lắk, Kon Tum. Các dự án đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật về thâm canh, chăm sóc, cải tạo vườn cây công nghiệp và bảo quản, chế biến các loại chè xanh, chè đen, sản xuất chè túi lọc, hồ tiêu, cà phê, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

-Đối với cây dược liệu: đã có 22 dự án được triển khai trên địa bàn các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Tĩnh, Phú Yên. Các dự án đã ứng dụng quy trình công nghệ về trồng, chăm sóc, thu hoạch dược liệu, công  nghệ chế biến dược liệu, chiết xuất cao được liệu quý như Bạch truật, đương quy, ba kích, giảo cổ lam, hoa hòe,…

-Đối với cây ăn quả: đã có 43 dự án được triển khai trên địa bàn các tỉnh: Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Hưng Yên, Gia Lai, Đăk Nông, Bến Tre, Tiền Giang, Bắc Kạn. Các dự án đã áp dụng các tiến bộ hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc cây ăn quả đặc sản như bưởi Da xanh (Bến Tre), bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ),… và các loại cây ăn quả khác có khả năng phát triển, nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

-Các dự án khác (39 dự án): đã ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nhân giống, trồng rừng thâm canh cây keo tai tượng tại các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên; phát triển vùng nguyên liệu mía tại các tỉnh Hòa Bình, Khánh Hòa, Bến Tre, Bình Định và nhân giống trồng thâm canh cây mây nếp, tỏi, kiệu, thuốc lá, lạc./.