00:00 Số lượt truy cập: 2670199

Bài HDKT 

Được đăng : 03/11/2016

1. Vai trò của phân vi sinh

Phân vi sinh là chế phẩm có chứa một hoặc nhiều chủng vi sinh vật có hoạt lực cao đã được tuyển chọn, thông qua các hoạt động của chúng, các chất dinh dưỡng được tạo thành bổ sung cho đất và cây trồng. Hiện nay phân vi sinh được nghiên cứu sử dụng dưới các đặc tính sau:


- Sử dụng nitơ trong khí quyển.

Góp phần đẩy mạnh,nhanh các quá trình phân giải các hợp chất vô cơ, hữu cơ thành nguồn dinh dưỡng dễ tiêu N, P, K, vi lượng, qua đó giảm các tổn thất to lớn do rửa trôi, bay hơi gây ra.

- Cung cấp cho cây trồng các hoạt chất có tác dụng kích thích sinh trưởng (giberelin, axit indol axetic, auxin…), các enzim, vitamin…

Nâng khả năng chống chịu của cây trồng do các chất kháng sinh mà vi sinh vật tiết ra, hay nhờ khả năng cạnh tranh cao mà mật độ vi sinh vật gây bệnh trong vùng rễ của cây giảm đi.

2. Đặc điểm của phân vi sinh

- Phân vi sinh là chế phẩm của các vi sinh vật sống, vai trò, tác dụng của phân vi sinh chủ yếu là đẩy nhanh quá trình phân giải các hợp chất hữu cơ thành các dạng dinh dưỡng dễ tiêu cho cây thông qua hoạt động của các vi sinh vật.

Chất lượng của phân vi sinh phụ thuộc rất nhiều vào đặc tính của chủng vi sinh, thành phần và điều kiện nơi cư trú của chúng (chất mang) và thời hạn bảo quản của vi sinh vật.

Mỗi loại phân vi sinh chỉ có tính đặc hiệu đối với một số loại cây trồng, cho nên phân vi sinh không thể sử dụng tùy tiện.

Trong mỗi loại phân vi sinh có thể chí có một chủng vi sinh vật hoạt động, nhưng cũng có thể có 2-3 chủng có mối quan hệ tương hỗ, tăng cường hoạt động của nhau. Nếu có sự kết hợp tốt thì phân vi sinh sẽ có chất lượng cao.

Sau khi bón phân vi sinh cho đất và cây trồng, người ta thấy mật độ vi sinh vật hữu ích này tăng lên rõ rệt, sau đó giảm dần và ổn định trong quá trình cây trồng phát triển. Sau khi thu hoạch, mật độ các chủng vi sinh này giảm mạnh tiến tới cân bằng trong quần thể vi sinh vật. Để đảm bảo liên tục của các chủng hu ích này, cần bón tiếp vi sinh vật vào các vụ trồng tiếp theo.

Hàm lượng các chất dinh dưỡng N, P, K trong phân vi sinh nhìn chung thấp, vì vậy để đảm bảo đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cây trồng, nhất thiết phải bón kết hợp với các loại phân vô cơ khác chứ không thể dùng để thay thế.

3. Các dạng phân vi sinh

Các loại phân vi sinh có thể chia làm 2 loại:

- Phân vi sinh có mật độ vi sinh vật hữu ích cao (>108 tế bào/gam), vi sinh vật tạp thấp (<106 tế bào/gam) do chất mang được thanh trùng. Vì mật độ vi sinh vật hữu ích cao nên liều lượng bón thấp chỉ từ 300-3000g/ha. Loại này gồm phân đạm vi sinh cho cây đậu đỗ: Nitragin; cho cây hòa thảo: arogin; phân lân vi sinh photphobacrin; chế phẩm vi sinh phân giải chất hữu cơ estrasol (Nga); Manna (Nhật, Philippins) hoặc Tian-Li-Bao (Trung Quốc, Hồng Công).

- Phân vi sinh có mật độ vi sinh vật hữu ích thấp hơn (106-107tế bào/gam) và vi sinh vật tạp khá cao do sản xuất trên nền chất mang không thanh trùng. Loại này thường sử dụng với liều lượng 100-1000 kg/ha (chất mang ở đây được dùng là các chất hữu cơ như than bùn, phế thải nông nghiệp, rác thành phố...) các loại chất mang được ủ để tiêu diệt một phần vi sinh vật tạp, trứng sâu bọ và phân giải một phần nhỏ các hợp chất khó tan, sau đó được bổ sung các vi sinh vật hữu ích như vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật phân giải lân làm tăng hiệu quả của phân bón.

4. Sử dụng phân vi sinh:

- Cách bảo quản: không để lẫn phân vi sinh với thuốc trừ sâu bệnh, thuốc trừ cỏ, phân hóa học. Không để nơi quá ẩm và quá nóng, dưới ánh sáng mặt trời gay gắt, không dùng phân quá hạn.

- Cách bón hoặc nhiễm: cách thông thường là trộn với hạt giống để gieo hoặc bón theo hàng theo hốc cùng với phân hữu cơ. Các phương pháp bón cụ thể là: phương pháp tẩm hạt giống, trộn mầm hạt; phương pháp hồ rễ; phương pháp ủ phân vi sinh với phân chuồng hoai mục và đất bột./.