00:00 Số lượt truy cập: 2667065

Kỹ thuật trồng Vầu đắng 

Được đăng : 13/03/2018
Họ: Phụ tre (Bambusoideae). Vầu là tên chỉ chung cho những loài hoặc á loài có thân mọc tản nhưng khác với chi Phyllostachys ở chỗ vách thân khí sinh thường dày hơn, vòng đốt thường nhô cao và mỗi mắt ở đốt thường có 3 cành trở lên. Trong dân gian thường gọi đó là các loại vầu ngọt (măng ăn ngon), vầu đắng (măng ăn đắng), Vầu đắng tai quăn, Vầu dê, Vầu hoi, Vầu chìa vôi. Có nơi gọi vầu là Lành hanh.

Với loại vầu nhỏ, thân có đường kính 3-4 cm, có nơi gọi là cây "dui" (ý nói vừa tầm làm dui nhà rất tốt).

Trên các nương rẫy cũ, hoặc trên đất rừng kiệt tầng đất còn tương đối dày có thể trồng Vầu. Thực tiễn cho thấy rằng trong rừng Vầu có xen lẫn cây lá rộng thì rừng sinh trưởng tốt cho nên không nhất thiết và không nên trồng toàn diện mà có thể trồng Vầu theo băng hoặc theo đám (ô). Tổng diện tích băng trồng hoặc đám trồng chiếm 50%. Diện tích để lại nên để nuôi cây gỗ lá rộng (ở những nương rẫy cũ) để tạo thành rừng Vầu hỗn loài với cây lá rộng. Nếu trồng theo đám thì mỗi đám 100m, bố trí theo kiểu nanh sấu, trồng theo băng thì băng có thể rộng 10m, chạy theo đường đồng mức (vành nón) trên đồi. Mật độ thường là 200-250 hố (khóm)/ha, phân bố đều trên băng trồng hoặc trong đám trồng.

Thời vụ trồng: Trồng trúc, trồng vào cuối đông, đầu xuân, có thể từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau, nghĩa là vào trước mùa măng. Sau khi trồng thân ngầm mau bén rễ có thể nảy chồi đâm măng ngay vào vụ mưa xuân.

Khi cây Vầu (thân khí sinh) đạt 2 tuổi (sang năm thứ 2) thì thân ngầm sinh trưởng mạnh, có đầy đủ chất dinh dưỡng để nuôi măng, cho nên khi trồng cần chú ý chọn cây mẹ từ 2 tuổi trở lên. Đường kính gốc trồng (gốc thân khí sinh) càng to thì sinh trưởng của cây càng mạnh. Tuy vậy nếu gốc trồng càng lớn thì công đánh gốc, vận chuyển và trồng càng khó khăn, tốn công hơn. Gốc trồng nhỏ thì thuận tiện cho thao tác, ít tốn công nhưng lâu thành rừng. Đường kính gốc trồng khoảng 3-4cm, là thích hợp.

Vầu có thể trồng bằng gốc có mang thân ngầm, trồng cây có mang thân ngầm và trồng một đoạn thân ngầm. Những mầm mắt thân ngầm ở gần gốc cây mẹ (thân khí sinh) thì nảy chồi lên măng mạnh hơn những mầm ở xa, vì vậy khi đào thân ngầm để trồng cần chú ý điều này. Khi trồng bằng cây hoặc gốc có mang thân ngầm cần chú ý đặt cây hoặc gốc cây thẳng đứng, thân ngầm nằm trong hố ở trạng thái bình thường, không được uốn cong hoặc lệch với hướng cũ của thân ngầm. Hố trồng đào dài theo thân ngầm, đáy hố nên bón một lớp mỏng phân chuồng hoai hoặc một lớp đất nhỏ, tơi xốp. Để thân ngầm mau bén rễ mỗi hố nên bón lót 20-30kg phân chuồng hoai. Hố đào sâu 40-50cm tùy theo độ sâu của thân ngầm, khi trồng đặt thân ngầm đúng độ sâu nó vốn có, lấp đất phủ kín thân ngầm và kín gốc đến vết ngầm cũ. Khi lấp đất thì từng lượt đất một lại dùng chân nện chặt, lấp đất xong nên ủ rác để giữ ẩm.

Sau khi trồng nếu gặp thời tiết khi hạn cần tưới nước từ 2-3 lần, mỗi lần tưới 10 lít cho một hố.

Chú ý không  nên trồng Vầu bằng đoạn thân ngầm có dính liền măng vì đoạn thân ngầm khi chưa bén rễ thì không đủ dinh dưỡng nuôi măng, sẽ làm cho măng bị chột mà sinh trưởng kém, thấm chí làm cho măng đó bị thui, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống./.

BBT