00:00 Số lượt truy cập: 2668256

Kỹ thuật trồng cỏ lông Para 

Được đăng : 11/12/2018
Cỏ lông Para có tên khoa học là Brachiaria mutica, nguồn gốc từ Brazin và sau đó được trồng ở nhiều nước nhiệt đới thuộc châu Phi và châu Á. Giống cỏ này được đưa vào miền Nam nước ta lần đầu tiên vào năm 1875, sau đó được đưa ra trồng ở miền Trung và miền Bắc. Cỏ thuộc họ hòa thảo, là loại cây thân bò, mặt trên và dưới lá có nhiều lông tơ mịn. Cây có thể cao tới 1,5 m, cành cứng, to, rỗng ruột, đốt dài 10 - 15 cm, mắt hai đầu đốt có mầu trắng xanh và có khả năng đâm chồi. Lá cỏ dài, đầu nhọn.

Cỏ có thể sinh trưởng ở đất đỏ, đất mặn, đất phèn... nhưng ưa đất phù sa, đồng bằng. Là loại cây ưa nước và sinh trưởng nhanh trong điều kiện đầm lầy, thích hợp với những vùng mưa nhiều, đất trũng, chịu được ngập nước (tới 60 cm). Tại những nơi này, cỏ mọc rất khoẻ và nhanh chóng lấn át cỏ dại. Chỉ cần trồng một lần sau đó nó tự phát triển dễ dàng.

Thời vụ gieo trồng: Trồng trong mùa mưa, tốt nhất là đầu mùa (tháng 3, tháng 4), để đảm bảo tỷ lệ sống cao.

Cày đất sâu 20cm, bừa và cày đảo (2 lần) làm tơi đất, vơ cỏ dại và san phẳng mặt đất trồng. Rạch hàng sâu 15-18cm theo hướng đông - tây, khoảng cách hàng là 40-50cm.

Giống: Có thể trồng bằng rảnh gốc hoặc hom thân, nhưng thường bằng hom thân. Có giống cắt ở ruộng tốt 3-4 tháng tuổi không bị lẫn cỏ tạp. Sau khi cắt xén bỏ phần ngọn non, nếu dài cắt thành đoạn 15-20cm, bó thành từng bó 5-7kg bằng dây mềm để thân cỏ không bị dập nát. Dựng hoặc xếp thành đống nhỏ nơi râm mát, tưới nước giữ ẩm để cỏ nảy rễ.

Phân bón: đầu tư cho 1 sào trồng cỏ:

Loại phân bón

Số lượng (kg)

Phân chuồng hoai mục

200-400

Supe lân

5

Kali (Kali clorua)

2-3

Đạm ure

3-4

Vôi bột

20-30

 

Vôi bột bón nhiều hay ít tùy theo độ chua của đất bằng cách rải tràn trước khi bừa lần cuối.

Lượng phân bón tùy theo độ phì của đất. Nếu ở bãi bồi triền sông hàng năm được nước lũ bồi phù sa thì có thể bón ít hoặc không cần bón.

Các loại phân hữu cơ, lân, kali dùng bón lót theo hàng, phân đạm bón thúc sau khi cỏ lên xanh và đẻ nhánh.

Bón thúc sau mỗi kỳ thu hoạch: 3 kg đạm/sào.

Sau mỗi năm vào đầu mùa mưa cần bổ sung lượng phân bón tương đương với lần đầu khi trồng.

-       Cách trồng: sau khi rạch hàng, bón phân lót, đặt bụi cỏ theo kiểu áp tường, các bụi cách nhau 25-30cm, mỗi bụi 2-4 hom giống, lấp đất dày 5-6cm kín 2/3 hom giống.

Nếu ở ruộng nước, cắt hom giống 15-10cm; sau khi cày bừa kỹ ta tiến hành cấy như cấy lúa, mỗi hom 1-2 dảnh giống.

-       Chăm sóc: Sau khi trồng 25-30 ngày xới phá váng và làm sạch cỏ dại. Dùng phân đạm bón thúc.

Hàng năm vào đầu mùa mưa bón thúc phân, xới xáo, diệt cỏ dại.

-       Thu hoạch: ruộng cỏ cắt có thể thu hoạch mỗi năm 4-5 lứa với năng suất mỗi lứa 8-10 tấn/ha./.

BBT