00:00 Số lượt truy cập: 2675964

Bảo tồn lan quý trước nguy cơ tuyệt chủng 

Được đăng : 03/11/2016
Một đề tài bảo tồn, phát triển những loài lan quý được giao cho Thạc sĩ Nông Văn Duy và một số nhà khoa học thuộc Phân viện Sinh học Đà Lạt (PVSHĐL) thực hiện.



Đề tài được triển khai trước thực trạng Lan rừng Lâm Đồng có tiềm năng kinh tế rất lớn nhưng việc khai thác vô tội vạ đã khiến nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng.

ThS Duy cùng cộng sự vào tận rừng sâu của Lâm Đồng và vùng giáp ranh để thu thập cây giống hoa lan.

Các nhà khoa học đã xác định 16 loài đặc hữu quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao; 6 loài vừa được phát hiện chưa kịp đặt tên tiếng Việt nhưng có nguy cơ bị xóa sổ như Paphiopedilum Vilosum, Paphiopedilum Delennatii…

Các nhà khoa học cũng xác định được 70 loài có hoa đẹp, hương thơm, độ bền, giá trị kinh tế cao và được nhiều người ưa chuộng, trong đó có một số dòng lan hài (Delenatii, Denro, Vanda…) mà các nhà sưu tầm trên thế giới chưa tìm thấy ở đâu trừ Việt Nam.

ThS Duy cho biết PVSHĐL đã xây dựng “bảo tàng sinh vật” ngoài trời để chăm sóc, gìn giữ mẫu vật sống của gần 200 loài lan; lưu giữ các nguồn gien quý của hoa lan trong ống nghiệm để làm nguyên liệu nuôi cấy ban đầu của các loài đặc hữu như Bạch Lan, Thanh đạm, Tuyết ngọc, Bò cạp, Thủy tiên tua, Thủy tiên mỡ gà.

Đặc biệt nhóm nghiên cứu, đã nhân giống thành công lan hài hồng (môi hài màu hồng đậm, cánh hoa và đài màu hồng nhạt, lá xanh thẫm có vết rằn ri đậm nhạt) được phát hiện ở khu rừng giáp ranh Lâm Đồng và Khánh Hòa.

Đến nay “vương quốc” lan rừng Đà Lạt - Lâm Đồng đã có gần 400 loài thuộc trên 100 chi - chiếm gần 77% về loài và 55% về chi lan rừng Việt Nam.

Không ít loài lan được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới mang tên Đà Lạt, 10/12 loài lan quý của Việt Nam phân bố ở vùng rừng Lâm Đồng.

Nhiều loài lan quý của địa phương có hoa đẹp, màu lạ, hương thơm, độ bền… như Hoàng lan,Vân hài, Dã hạc, Cẩm báo, Huyết nhung, Hồ điệp, Nhất điểm hồng… được các quốc gia dùng làm cá thể ban đầu để lai tạo giống mới; nhiều thương gia nước ngoài đặt mua số lượng lớn nhưng không thể đáp ứng vì chủ yếu khai thác trong rừng chứ chưa gây trồng được nhiều.

Đây là loài lan hài duy nhất trên thế giới có hương thơm, được tổ chức Bảo vệ động thực vật hoang dã thế giới đưa vào danh mục cần bảo vệ nghiêm ngặt.

Đáng tiếc, trong khi Việt Nam chưa nhân giống rộng rãi để hài hồng trở thành nguồn lợi kinh tế độc quyền, một số phòng thí nghiệm ở nước ngoài đã có mẫu thuần chủng loài lan này và tiến hành cấy mô, nhân giống cho mục đích kinh doanh. Liệu rồi nước ta sẽ mất những giống hoa quý nào nữa nếu không sớm đăng ký nguồn gốc cụ thể những loài thực vật quý hiếm để thế giới biết và có biện pháp hữu hiệu bảo vệ bản quyền cho mỗi loài thực vật đặc hữu của mình?

Đó là nỗi trăn trở của các nhà khoa học, nhất là trong hoàn cảnh các thương nhân và nhà thực vật học nước ngoài tìm mọi cách sưu tầm, khai thác các nguồn lan đặc hữu Việt Nam.

Trong khi đó, đội ngũ “thợ săn” hoa lan không ngừng tăng lên; việc buôn bán các loài lan quý rất bừa bãi với hàng loạt “chợ trời” lan rừng trên các hè phố Quang Trung, Nguyễn Thị Minh Khai, ngã năm Đại học, ngã tư Phan Chu Trinh…

“Từ những năm 1991 – 1995, PVSHĐL đã kêu gọi “Hãy cứu lấy lan rừng” và đề án này một lần nữa phát ra thông điệp ấy”- TS Dương Tấn Nhựt (Phân viện phó PVSHĐL) nhấn mạnh.

Năm 2007, PVSHĐL sẽ lai tạo các giống lan có nguồn gốc tự nhiên ở Đà Lạt – Lâm Đồng để tạo ra giống mới, có giá trị cao trên thị trường quốc tế; Phân viện tiếp tục khảo sát qui trình nhân giống nuôi cấy mô tế bào đối với các loài đặc hữu quý hiếm…

Với các giải pháp khoa học tiên tiến và ưu thế đã xâm nhập được những thị trường khó tính như Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản… có thể hy vọng “thành phố hoa” sẽ tăng nhanh lượng hoa lan xuất khẩu.