00:00 Số lượt truy cập: 3228588

Bệnh chàm da ở gia súc 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh chàm da còn gọi là bệnh eczema là một chứng viêm da cấp tính ở tổ chứa biểu bì. Bệnh tiến triển từng đợt, hay tái phát rất phức tạp và dai dẳng. Đặc điểm của nó là nổi mẩn trên da những mụn nước và mụn mủ.


1. Nguyên nhân

Nguyên nhân của bệnh rất phức tạp, song có thể phân làm hai nguyên nhân chính:

a. Nguyên nhân ngoại cảnh

+ Do điều kiện vệ sinh kém, chuồng trại bẩn, da luôn bị ẩm ướt và các chất bẩn đọng lại trên da.

+ Da bị tổn thương do cọ sát cơ giới, bị côn trùng cắn ...

+ Do bị kích thích bởi các hóa chất.

+ Do ảnh hưởng của thời tiết.

b. Nguyên nhân bên trong

+ Do rối loạn tiêu hóa: Táo bón lâu ngày, suy gan, giun sán.

+ Do các rối loạn về tuần hoàn nội tiết.

+ Do rối loạn quá trình trao đổi chất của cơ thể như thiếu sinh tố, thiếu các loại vi khoáng, vi lượng ...

Muốn tìm được nguyên nhân chính xác phải tiến hành điều tra lịch sử bệnh, điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc và kiểm tra lâm sàng kết hợp với xét nghiệm bệnh phẩm.

2. Triệu trứng

Bệnh thường qua những giai đoạn sau đây:

a. Giai đoạn đỏ

Giai đoạn này bắt đầu từ đám da bị đỏ, ranh giới không rõ rệt và rất ngứa (ngứa là triệu chứng xuất hiện đầu tiên dai dẳng và kéo dài cho đến các giai đoạn sau). Trên vùng da đỏ xuất hiện những nốt sần đỏ như những hạt kê, dày chi chít.

b. Giai đoạn mụn nước

Những nốt sần trên thực tế là những mụn nước ngày càng lớn, khi ngứa con vật gãi hoặc cọ sát nên mụn nước thường bị vỡ và chảy ra một thứ nước vàng đặc, đóng thành vẩy. Những mụn nước khác lại tiếp tục nổi lên, một số mụn bị nhiễm khuẩn có màu vàng. Trong giai đoạn này cơ thể có một số triệu trứng nhiễm khuẩn thứ phát.

c. Giai đoạn đóng vẩy

Giai đoạn này da không nổi lên những mụn nước mới, những mụn cũ đóng vẩy, khô dần, có chỗ lên da non màu hồng. Tuy nhiên vẫn còn một số ít mụn nước. Da có màu sẫm hơn và dày cộm lên.

d. Giai đoạn mãn tính

Da sẫm màu, dày cộm, có những nốt sần cứng hơn, to hơn ở giữa các vết hằn da.

Trong trạng thái mãn tính này vẫn có đợt nổi lên những nốt sần khác hoặc mụn nước và bị chảy nước như những giai đoạn trước.

Quá trình phát bệnh chia làm các giai đoạn trên song các giai đoạn đó không chia rõ danh giới mà thường lẫn sang nhau (Trong giai đoạn đỏ đã có một số mụn nước, trong giai đoạn mụn nước đã có một số lên da non, trong giai đoạn mãn tính vẫn còn những mụn mẩn đỏ, mụn nước...).

Bệnh chàm da ở các loại gia súc thường có các biểu hiện sau:

- Ở ngựa: Thường ở thể mãn tính, nơi hay phát bệnh ở bờm cổ, cuống đuôi, dau khớp cẳng chân. Con vật ngứa ngáy, da dày cộm. Bệnh thường phát vào mùa hè.

- Ở trâu, bò: thường mắc ở phía trong đùi, ở cổ vú, kẽ móng chân.

- Ở lợn thường có ở nách, bẹn, dưới bụng

- Ở chó hay mắc ở sống mũi, cổ và khuỷu chân, môi trên, mí mắt và xung quanh tai.

3. Điều trị

- Cần phân biệt với một số bệnh sau:

+ Bệnh ghẻ: cạo vẩy để tìm cái ghẻ.

+ Bệnh viêm da: Bệnh gây viêm sâu ở các lớp nội bì và da. Viêm da không nổi mụn nước và mụn đỏ, con vật ít ngứa hơn.

- Bệnh ở thể cấp tính nếu điều trị kịp thời sẽ khỏi. Nếu bệnh chuyển sang mãn tính thì rất khó chữa.

a. Điều trị toàn thân

- Cần cải thiện chế độ vệ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Tránh cho gia súc ăn những thức ăn kích thích, tránh cọ sát và không để nhiễm bẩn.

- Chú ý điều hòa các chức phận, tẩy giun sán định kỳ, tránh táo bón cho gia súc uống đủ nước.

- Chữa dị ứng: dùng novocain 0,25% tiêm tĩnh mạch, gluconat - canxi hoặc chloruacanxi kết hợp với vitamin C.

b. Điều trị tại chỗ

Cần phân biệt từng giai đoạn để có biện pháp chữa thích hợp:

- Trường hợp chỗ da bệnh chảy nước, trượt da, đỏ thì tránh không dùng các thuốc kích thích hoặc thuốc mỡ mà chỉ dùng các loại thuốc làm dịu da, thuốc nước.

+ Dùng các loại thuốc sát trùng natriborat 5%, rivanol 1%, thuốc tím 1% thấm vào gạc, đắp lên vết loét.

+ Bôi dầu kem gồm: oxit kẽm 40g + Dầu oliu 60g (có thể thay bằng vaselin), bôi ngày 2 lần.

Chú ý khi đắp gạc không kỳ cọ quá mạnh, bôi thuốc xong không băng kín. Nếu bệnh có nhiều vẩy thì chấm qua dầu lạc cho vẩy bong da rồi mới bôi thuốc, đắp gạc.

- Giai đoạn vết thương tương đối khô và bớt đỏ, bôi thuốc ngà 2 lần bằng các loại thuốc sau: 10ml ichthyol+ 5g oxit kẽm+ 3g axit benzoic+ 5g bột tanin + 5g phèn chua + 5ml Vaselin. Tạo thành hỗn hợp nhyư mỡ, bôi lên nơi viêm ngày 2 lần.

- Gia đoạn mãn tính: Dùng các loại thuốc làm mỏng da, bớt ngứa như dầu ichthyol, mỡ lưu huỳnh, mỡ salisilic từ thấp đến cao (5 - 10%) bôi lên chỗ da bệnh, có thể băng lại.

Khi dùng thuốc nên thăm dò phản ứng của gia súc để kịp thời thay đổi thuốc.