00:00 Số lượt truy cập: 2690676

Bệnh dại ở chó 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh dại có hai thể: thể dại điên cuồng và thể dại bại liệt (hay thể dại câm).


1.     Thể dại điên cuồng

Chiếm từ 15-20% chó bị dại (ở các nước nhiệt đới, tỷ lệ này cao hơn: 70%). Biểu hiện lâm sàng của chó chia làm 3 thời kỳ:

a.     Thời kỳ mở đầu

Thời kỳ này rất khó phát hiện. Chó có các biểu hiện khác thường, chủ yếu thay đổi về tính nết như: trốn vào một góc kín (sau tủ, gầm giường, chỗ tối...), khi chủ gọi chạy đến một cách miễn cưỡng; hoặc biểu hiện vui mừng hơn bình thường (liếm chân tay chủ, vẫy đuôi nhanh hơn...).

Thỉnh thoảng cắn, sủa vu vơ lên không khí hoặc cắn lên không khí (đớp ruồi), vẻ bồn chồn.

b.     Thời kỳ kích thích

Biểu hiện chính của thời kỳ này là các phản xạ thông thường của chó bị kích thích mạnh:

-   Đang ngồi dưới đất bỗng đứng dậy, nhảy lên.

-   Chủ gọi, lao ngay đến liếm chân, liếm tay chủ.

-   Thấy người lạ xông ra cắn sủa dữ dội.

-   Chó có phản ứng quá mức đối với tiếng động và ánh sáng: tiếng động nhẹ, bật đèn lao đến cắn sủa dữ dội.

-   Nơi bị cắn ngứa, chó thường liếm, cắn, cọ sát vào chỗ này, nhiều khi rụng hết lông, chảy máu.

-   Thỉnh thoảng con ngươi mắt mở to (đây là triệu chứng quan trọng để kết luận bệnh dại). Chó ngồi đờ đẫn, khi có kích thích bên cạnh thì giật mình.

-   Chó bỏ ăn, nuốt khó khăn, phải vươn cổ ra để nuốt, cắn các vật lạ, khát nước, uống liên tục nhưng chỉ uống được rất ít.

-   Chó bắt đầu chảy nước dãi, sùi bọt mép.

Sau khi phát bệnh 2-3 ngày:

-   Bộ mặt chó dại đặc trưng: mắt đỏ ngầu, hai tai dựng ngược, mồm há hốc ra, hàm dưới trễ hẳn xuống, nước dãi chảy thành dòng, bụng thóp lại.

-   Tiếng sủa đặc trưng: dây thần kinh họng bắt đầu bị liệt, chó phát ra tiếng hú nghe như thiếu hơi, xa xôi.

-   Nếu chó không bị nhốt giữ sẽ bỏ nhà ra đi, thường không bao giờ quay về nữa. Trong trường hợp có xích buộc, chó tìm mọi cách cắn cào giựt xích để đi. Sau khi bỏ nhà, chó lang thang ngoài đường, không chạy thẳng mà chạy theo hình chữ chi. Nếu gặp chó khác, nó không sủa, không phát ra tiếng kêu mà xông vào cắn, nhất là tìm cách cắn vào đầu (khác chó cắn trộm, xông vào cắn phía sau). Khi chó lành bỏ chạy thì nó không đuổi theo, ngược lại sẽ thấy hai chó cắn nhau, một con bị dại cắn điên cuồng nhưng không kêu, trong khi đó chó lành bị tấn công thì gầm gừ sủa, kêu la.

Nếu gặp người, chó dại thường chạy trốn, ít khi tấn công trừ khi bị đe doạ.

-   Khi lên cơn, chó cắn cả vật bất động cho đến khi gãy cả răng, chảy máu miệng. Cần chú ý là trong khi cắn như vậy chúng không hề phát ra tiếng kêu. Các cơn dại thường xen kẽ với cơn trầm uất, chó ngồi lặng lẽ, nét mặt đờ dại trông vẻ sợ sệt.

c.      Thời kỳ bại liệt

Con vật bị liệt mặt, không ăn và nuốt được, nước bọt chảy ra nhiều, hàm dưới trễ hẳn xuống; sau đó liệt các cơ vận động và chết do liệt hô hấp hoặc vì kiệt sức do sự vận động của cơn dại và không ăn uống gì.

2.     Thể dại bại liệt

Hay còn gọi là thể dại lặng. Con vật không có các biểu hiện lên cơn cuồng nộ, còn lại các biểu hiện khác tương tự như ở trên.

Do con vật không cắn, không sủa nên còn gọi là dại câm. Chó con thường bị bệnh dại ở thể lặng, nhiều người cho rằng chó con ốm "sài đẹn" mà chết. Do không thấy lên cơn điên cuồng nên dù bị cắn cũng không nghi là bệnh dại.

Sau khi lên cơn dại, đa số trường hợp bệnh kéo dài 5-7 ngày, có khi hãn hữu chỉ 2 ngày hoặc có trường hợp 14 ngày. Một số trường hợp chó bị bệnh có thể khỏi (5-6%), virus có thể tồn tại trong cơ thể sau đó một thời gian dài./.