00:00 Số lượt truy cập: 2673005

Bệnh dậu dê và đậu cừu 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh dậu dê và đậu cừu (capripox) là một trong số các bệnh truyền nhiễm do virus đậu gây ra ở gia súc nuôi. Bệnh xảy ra lẻ tẻ ở một số vùng thuộc miền Trung và Bắc phi, vùng Trung Đông và Ấn Độ. Ngoài ra, bệnh còn xuất hiện ở một số nước; ví dụ: năm 1983 bệnh được ghi nhận ở Italia, năm 1985 và 1989 xảy ra ở đảo Cyprus, năm 1988 ở Hy Lạp hoặc xảy ra ở Bangladesh, Bulgari.


Ở Việt Nam, trong thời kỳ Pháp thuộc, do nhập cừu từ Pháp sang đã làm xảy ra dịch vào năm 1929 ở Đà Lạt, lây lan mạnh và gây nhiều thiệt hại. Trong những năm 1970, bệnh phát ra ở nông trường Mộc Châu. Hiện nay, bệnh vẫn xảy ra lẻ tẻ.

Bệnh do một loài virus thuộc họ Poxviridae, dưới họ Chordopoxvirinae, giống Capripovirus gây ra. Giữa các chủng virus cũng xuất hiện hiện tượng tái tổ hợp, hình thành nên một số lượng lớn virus với mức độ độc lực khác nhau.

Giống như các virus đậu khác, virus gây bệnh đậu dê và đậu cừu có dạng hình viên gạch, kích thước 250 x 200 x 200 nm. Virus có màng bọc bên ngoài, nhân là một ADN sợi đôi.

Virus nhân lên khi nuôi cấy trên nhiều loại tế bào có nguồn gốc từ dê, cừu và bò, gây bệnh tích tế bào và hình thành thể bao hàm. Tuy nhiên, tế bào dịch hoàn cừu (lamb testis - LT) hoặc tế bào thận cừu (lamb kidney - LK) được coi là thích hợp nhất để nuôi cấy và phân lập virus.

· Triệu chứng và bệnh tích

Triệu chứng lâm sàng và bệnh tích thay đổi tùy theo loài vật mắc bệnh và chủng virus gây bệnh.

Thời gian nung bệnh từ 8-13 ngày. Khi gây bệnh thực nghiệm bằng cách tiêm dưới da, thời gian nung bệnh có thể chỉ còn 4 ngày. Một số giống cừu châu Âu, ví dụ giống Soay, có thể chết rất nhanh khi chưa xuất hiện triệu chứng lâm sàng ngoài da.

Triệu chứng đặc trưng: con vật sốt cao 40oC, kéo dài 2-5 ngày; sau đó có hiện tượng nổi ban hình thành những vùng xung huyết tròn nhỏ, thấy rõ nhất ở những vùng da không màu. Triệu chứng tiếp theo là hình thành các nốt đậu, sưng cứng với đường kính khoảng 0,5-1cm, bao phủ toàn bộ cơ thể hoặc tập trung ở háng, nách và vùng đáy chậu (giữa hậu môn và bộ phận sinh dục). Đôi khi gặp trường hợp các nốt đậu được bao phủ bởi nhiều bọng nước. Ở một số giống dê châu Âu, bệnh xảy ra đặc trưng là hiện tượng xuất huyết nông, nhưng các nốt đậu tập trung thành một khối bao phủ toàn bộ cơ thể, con vật thường bị chết.

Trong vòng 24 giờ kể từ khi xuất hiện nốt đậu, con vật có biểu hiện viêm mũi, viêm màng kết, hạch lympho bị sưng to, đặc biệt là hạch trước vai. Nốt đậu xuất hiện trong mắt gây viêm mí mắt ở các mức độ khác nhau. Nếu nốt đậu xuất hiện ở màng nhày của mắt và mũi bị viêm loét, con vật chảy nước mắt nước mũi có lẫn mủ; niêm mạc miệng, hậu môn, bao quy đầu và âm hộ bị hoại tử. Con vật có hiện tượng khó thở, thở ra tiếng do đường hô hấp trên bị chèn ép bởi hạch lympho sau hầu sưng to và do tổn thương ở vùng phổi.

Nếu con vật không chết trong pha cấp tính của bệnh, các nốt đậu bắt đầu bị hoại tử, hình thành cục huyết khối trong máu ở đáy nốt đậu. Sau 5-10 ngày nốt đậu bắt đầu hình thành vảy, tồn tại trong vòng 6 tuần và làm thành sẹo. Những vùng da bị bệnh rất dễ bị ruồi đốt, gây viêm phổi kế phát.

Con vật ít khi bỏ ăn, trừ khi trong miệng có bệnh tích gây khó khăn cho việc lấy thức ăn. Hiện tượng sảy thai cũng rất ít khi xảy ra.

Những con vật chết trong thể cấp tính thường quan sát thấy ít bệnh tích ở da hơn so với những con còn sống. Bề mặt niêm mạc bị hoại tử, hạch lympho bị sưng to và thủy thũng. Các nốt đậu bị loét có thể tìm thấy ở cả niêm mạc dạ múi khế, đôi khi còn thấy ở dạ cỏ và ruột già, lưỡi, vòm miệng, thực quản và khí quản. Trên bề mặt gan, thận, dịch hoàn quan sát được nhiều nốt hoại tử nhạt màu có đường kính 2cm. Tại phổi, đặc biệt là thùy hoành, hình thành rất nhiều điểm hoại tử cứng, đường kính có thể lên đến 5cm.

· Chẩn đoán

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào triệu chứng và bệnh tích. Trong phòng thí nghiệm có thể sử dụng kính hiển vi điện tử soi ngược để tìm hạt virus trong bệnh phẩm hoặc tìm thể bao hàm khi nuôi cấy bệnh phẩm trong môi trường tế bào.

Bệnh phẩm lấy là da nơi có mụn, phổi có bệnh tích và hạch lympho.

Sử dụng phản ứng ELISA phát hiện kháng nguyên trong tuần đầu tiên khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng, khi chưa xuất hiện kháng thể trung hòa trong huyết thanh; trong khi đó kỹ thuật PCR có thể xác định được virus khi đã hình thành kháng thể trong cơ thể.

· Vệ sinh phòng bệnh

Vì mầm bệnh tồn tại ngoài môi trường, xâm nhập vào cơ thể qua vết xây xước nên cố gắng tránh không cho gia súc bị thương. Cần bố trí chuồng thoáng, ấm áp.

Thực hiện kiểm dịch nghiêm ngặt khi nhập nội những giống dê, cừu mới.

· Phòng bệnh bằng vacxin

Việc tiêm phòng vacxin nhược độc hoặc vacxin vô hoạt cũng giúp phòng bệnh có hiệu quả. Hiện nay, vacxin tái tổ hợp cũng đang được nghiên cứu dùng để phòng bệnh.

· Điều trị

Vì là bệnh do virus nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Người ta thường áp dụng các biện pháp vệ sinh để bệnh tiến triển nhẹ hơn: cho ăn uống tốt, không nhốt chật chội trong chuồng ẩm ướt./.