00:00 Số lượt truy cập: 2680087

Bệnh dịch tả lợn cổ điển 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh dịch tả lợn cổ điển là một bệnh truyền nhiễm phổ biến ở lợn, lây lan nhanh, do virút gây ra, được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) xếp vào danh sách các bệnh của động vật trên cạn và thủy sản phải thông báo dịch (tháng 1/2013).


Ở nước ta bệnh được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1923 - 1924, ở các tỉnh miền Bắc: Phú Thọ, Lào Cai, Sơn La, Hà Tây, Thanh Hoá, Nghệ An, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên... Sau đó, bệnh đã thấy ở hầu hết các tỉnh miền Nam và miền Trung.Những năm gần đây, bệnh dịch tả lợn đã giảm nhiều. Nhưng các ổ dịch vẫn xảy ra lẻ tẻ quanh năm ở một số tỉnh biên giới phía Bắc: Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia.

Theo nhận xét của các chuyên gia thú y, thiệt hại do bệnh dịch tả lợn cổ điển gây ra chiếm 50% tổng số thiệt hại do 4 bệnh đỏ của lợn (bệnh dịch tả lợn, bệnh đóng dấu, bệnh tụ huyết trùng, bệnh phó thương hàn) gây ra.

1. Triệu chứng bệnh

Thời kỳ nung bệnh từ 3 - 8 ngày. Bệnh xuất hiện với 4 thể:

- Thể quá cấp tính

Bệnh phát ra nhanh chóng, lợn bị bệnh chết đột ngột, không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng. Con vật đang khoẻ tự nhiên chê cám, ủ rũ, thân nhiệt tăng cao (41 - 420C) nôn mửa, da chân, trong đùi, dưới bụng đỏ ửng lên rồi tím lại. Mạch nhanh, không đều, sau loạn nhịp, thở nhanh và thở dồn rồi chết, sau 1 - 2 ngày tỷ lệ chết 100%.

- Thể cấp tính

Thể này thường gặp ở nước ta. Lợn biểu hiện buồn bã, biếng ăn hoặc bỏ ăn, tìm nơi tối để nằm, thân nhiệt tăng (41 - 420C) trong 4 - 5 ngày liền, sau đó thân nhiệt hạ xuống là lúc con vật ỉa chảy nặng. Con vật khát nước, bỏ ăn. Da mỏng phía bên trong đùi xuất hiện những nốt xuất huyết đỏ bằng đầu đinh ghim, hạt đậu, dần dần bầm tím lại. Viêm kết mạc và giác mạc có xuất tiết dịch nhày và dử ghèn ở mắt. Ở xoang mũi cũng có dịch xuất tiết và niêm mạc mũi xuất huyết đỏ.

Lúc đầu lợn đi táo khi thân nhiệt cao. Sau đó ỉa chảy nặng, phân loãng màu xanh xám có mùi tanh khẳm đặc biệt. Niêm mạc mồm miệng bị loét, phủ bựa vàng trắng.

Virút cũng gây viêm não, xuất huyết dưới màng não. Chứng co giật xuất hiện, khi lợn sốt cao. Lợn bị bệnh sẽ chết sau vài ngày. Trước khi chết, con vật liệt chân, đi chệnh choạng, hoặc bại liệt toàn thân. Đối với lợn cái chửa, virút gây sảy thai, thai gỗ, thai dị dạng, chết lưu và lợn con chết yểu sau đẻ.

- Thể thứ cấp

Bệnh kéo dài đến tuần thứ 3. Ở thể bệnh này các triệu chứng biểu hiện như ở thể cấp tính nhưng mức độ nhẹ hơn. Bệnh thường kéo dài có nhiễm khuẩn kế phát do Salmonella, E. coli. Khi có bệnh phó thương hàn kết hợp, con vật bị bệnh ỉa chảy nhiều, phân rất thối. Nếu bệnh có ghép với bệnh tụ huyết trùng thì có những triệu chứng viêm phổi hoặc viêm màng phổi, mũi chảy dịch nhầy lẫn mủ. Lợn mắc bệnh thể này thường chết 100%.

- Thể mãn tính

Khi lợn qua được thể cấp tính hoặc thứ cấp tính, bệnh chuyển sang thể mãn tính, tiến triển 1 - 2 tháng với biểu hiện các triệu chứng lúc đi táo, lúc ỉa chảy, ho, thở khó, trên da có vết tím. Con vật chết do kiệt sức hoặc có thể khỏi nhưng gầy còm, mang trong mình và thải ra virút một thời gian.

Ở lợn nái, người ta phát hiện trạng thái miễn dịch mang trùng và thải virút kéo dài, lây truyền bệnh ngay cho đàn con của chúng và lợn nái chửa thường sảy thai.

2. Bệnh tích

- Ở thể cấp tính

Niêm mạc miệng, lợi viêm; niêm mạc dạ dày xuất huyết lấm tấm như đầu đinh ghim có vết loét. Ở ruột già, các nốt loét trên niêm mạc hình cúc áo có đường tròn đồng tâm và phủ bựa vàng xám, đặc biệt có nhiều ở van hồi manh tràng. Hạch lâm ba ruột tụ máu, sưng đỏ thẫm và tím như đá hoa vân. Lá lách không sưng hoặc ít sưng mà có hiện tượng nhồi huyết, xuất huyết ở viền lách, một trong những bệnh tích đặc trưng của bệnh dịch tả lợn. Thận xuất huyết lấm tấm bằng đầu đinh ghim ở cả phần vỏ thận và phần kẽ thận. Niêm mạc bàng quang có hiện tượng viêm cata và xuất huyết. Phổi và màng phổi viêm tụ máu, có những chấm đỏ xuất huyết. Tim thường nhão, phần tâm nhĩ bị xuất huyết, phần tâm thất bị sưng, cơ tim bị sung huyết. Lợn bệnh thỉnh thoảng có xuất huyết não, màng não.

- Ở thể mãn tính

Những bệnh tích xuất huyết và nhồi máu hầu như ít thấy hoặc không thấy. Bệnh tích thường thấy ở ruột với các nốt loét có bờ ở vạn hồi manh tràng. Ở phổi còn thấy bệnh tích viêm Cata.

3. Chẩn đoán bệnh

- Chẩn đoán dịch tễ học

Bệnh dịch tả lợn lây lan nhanh và rộng, giết hại nhiều lợn ở tất cả các lứa tuổi nhất là lợn con, không có vùng dịch rõ rệt về mặt địa lý.

- Chẩn đoán lâm sàng

Căn cứ vào một số triệu chứng và bệnh tích như: sốt cao (41 - 420C), viêm kết mạc, yếu chân sau, đi chệnh choạng, xuất huyết lấm tấm như đầu đinh ghim hoặc nốt ở vùng da mỏng. Lợn ỉa chảy rất nặng, ỉa vọt cần câu khi hạ nhiệt. Niêm mạc ruột tụ huyết, xuất huyết; nhồi huyết ở lách; có mụn loét tròn ở van hồi manh tràng.

- Phương pháp kháng thể huỳnh quang gián tiếp (IFAT)

Những bệnh phẩm được gửi đến chẩn đoán là hạch Amidan, lách, thận, ruột.

Phương pháp huỳnh quang trên lát mô bào đông lạnh là phương pháp thực hiện đơn giản, nhanh chóng và chính xác.

- Phản ứng trung hoà virút (VN)

Là phản ứng đặc hiệu để phân biệt kháng thể kháng virút dịch tả lợn và virút dịch tả trâu, bò.

Sự phát hiện ra kháng thể có thể là tiêu chuẩn chẩn đoán cho những đàn lợn bị bệnh không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

- Chẩn đoán phân biệt

+Với bệnh dịch tả lợn châu Phi: Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra mạnh hơn (100% lợn chết). Biểu hiện đặc trưng của bệnh là xuất huyết rất nặng lan tràn ở phủ tạng và các mô. Lách sưng to chứa đầy máu, hạch lâm ba cũng xuất huyết nặng. Để chẩn đoán phân biệt cần phải dựa vào các phương pháp nói trên để phát hiện mầm bệnh.

+ Với bệnh phó thương hàn: Bệnh thường xảy ra ở lợn con trước và sau thời kỳ cai sữa. Triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh là ỉa chảy dữ dội, trên da lợn cũng có hiện tượng xuất huyết ở chỏm tai và mõm. Dùng kháng sinh có thể chữa khỏi bệnh (Streptomycin, Oxytetracylin).

+ Với bệnh viêm dạ dày ruột truyền nhiễm (TGE): lợn mắc bệnh TGE thân nhiệt không sốt cao, tỷ lệ chết thấp. Bệnh chỉ xảy ra ở lợn con từ 1 - 3 tuần tuổi.

4. Phòng bệnh

- Phòng bệnh bằng vắcxin

Việc phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm phòng vắcxin. Cần tiêm phòng sớm cho lợn trên 2 tuần tuổi và tiêm bổ sung cho những lợn 6 - 8 tuần tuổi chưa được tiêm phòng vào 2 tuần tuổi.

Vắcxin được dùng phổ biến hiện nay là vắcxin virút nhược độc chủng C tạo được miễn dịch chắc chắn một tuần lễ sau khi tiêm và miễn dịch kéo dài từ 1 - 2 năm.

Lợn nái miễn dịch truyền được kháng thể cho lợn con qua sữa đầu, kháng thể có thể tồn tại được 14 ngày. Lợn sơ sinh tiếp thu kháng thể thụ động trong vòng từ 5 - 8 tuần.

Bình thường tiêm phòng cho lợn con vào lúc 6 tuần tuổi và tiêm nhắc lại 5 tháng sau. Vắcxin có tác dụng bảo hộ lợn chống lại bệnh sau 7 - 10 ngày được tiêm, do đó có thể sử dụng tiêm thẳng vắcxin vào ổ dịch để dập tắt dịch kịp thời.

- Các biện pháp vệ sinh thú y:

Biện pháp phòng bệnh có hiệu quả khi dịch xảy ra:

- Cấm không được vận chuyển lợn ra hoặc vào ổ dịch.

- Cấm bán lợn và thịt lợn ốm.

- Tiêu độc chuồng và dụng cụ chăn nuôi bằng nước vôi 10%, xút 2%, Iodin 1%, nước vôi 10%, vôi bột.

- Xác lợn ốm chết chôn sâu giữa 2 lớp vôi.

- Tiêm phòng bao vây ổ dịch, có thể tiêm thẳng vắcxin vào ổ dịch để dập tắt dịch.