00:00 Số lượt truy cập: 2673187

Bệnh giả dại ở lợn 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh giả dại (Pseudorabies) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính ở lợn do một loài virus gây ra. Đặc trưng của bệnh là hiện tượng viêm não - viêm màng não, thường kèm theo triệu chứng ngứa dữ dội, gây chết với tỷ lệ cao.


Bệnh xảy ra đầu tiên ở loài lợn, sau đó có thể làm lây cho một số loài khác như: ngựa, bò, dê, cừu, chó, mèo và một số động vật hoang dã khác.

Sau bệnh dịch tả lợn, bệnh giả dại được coi là bệnh do virus quan trọng trong ngành chăn nuôi lợn; hàng năm, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, làm tổn thất hàng triệu đô la.

·        Triệu chứng

Thời gian nung bệnh thay đổi từ 1-11 ngày, phổ biến từ 2-6 ngày. Lợn con thường có thời gian nung bệnh ngắn hơn lợn trưởng thành.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh thay đổi tùy thuộc lứa tuổi lợn, đường xâm nhập của virus, độc lực của chủng virus và sức đề kháng của cơ thể. Lợn con dưới 2 tuần tuổi mẫn cảm nhất với bệnh, tỷ lệ ốm có thể lên đến 100% nhưng ở lợn 4 tuần tuổi tỷ lệ này giảm xuống 50%.

Triệu chứng ở lợn con theo mẹ:

Lợn bệnh mệt mỏi, bỏ ăn và trong vòng 24 giờ có biểu hiện triệu chứng thần kinh: mất cân bằng, co giật. Trong những trường hợp này, chẩn đoán trong phòng thí nghiệm giúp khẳng định vai trò gây bệnh của virus. Nếu chẩn đoán càng sớm, khả năng giảm thiểu thiệt hại càng lớn do việc sử dụng vacxin cho đàn lợn kịp thời.

Lợn có thể sốt cao 41oC, run rẩy, tăng tiết nước bọt, mất cân bằng, triệu chứng thay đổi tùy từng ca bệnh như từ chứng giật cầu mắt đến tư thế opistothonus đến xuất hiện liên tục các cơn như động kinh. Lợn ngồi như chó ngồi để thở do khó thở. Một số con cuộn tròn hoặc nằm nghiêng, chân bơi mái chèo. Hiện tượng lợn bị nôn mửa và ỉa chảy cũng có thể xuất hiện.

Nếu lợn có các triệu chứng của hệ thần kinh trung ương sẽ bị chết trong vòng 24-36 giờ sau khi có biểu hiện triệu chứng, tỷ lệ chết thường là 100%.

Tùy theo mức độ đáp ứng miễn dịch của lợn mẹ chống lại virus, lợn con đẻ ra có thể không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, trong khi đó những đàn lợn gần kề biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ, trước tiên là hiện tượng ủ rũ, mệt mỏi. Nếu lợn nái mẫn cảm bị nhiễm virus trong thời gian gần đến ngày sinh, lợn con đẻ ra thường yếu ớt, có triệu chứng thần kinh và chết trong vòng 1-2 ngày sau khi sinh.

Triệu chứng ở lợn sau cai sữa (3-6 tuần tuổi)

Triệu chứng lâm sàng gần giống như lợn sơ sinh nhưng triệu chứng thần kinh nhẹ hơn, không thường xuyên xảy ra hiện tượng lợn bị hôn mê và chết do thần kinh trung ương bị tổn thương. Tỷ lệ chết khoảng 50% nhưng cũng có thể thấp hơn.

Triệu chứng đặc trưng của lợn lứa tuổi này gồm: Lợn mệt mỏi, chán ăn, sốt cao (41-42oC). Lợn có triệu chứng đường hô hấp như: hắt hơi, chảy nước mũi, thở khó, ho. Hầu hết lợn bệnh qua khỏi sau 5-10 ngày, trừ những trường hợp lợn có triệu chứng ở hệ thần kinh trung ương thường sẽ bị chết. Hiện tượng nhiễm trùng đường hô hấp thường ghép với một số tác nhân gây bệnh khác như: P. multocida, A. pleuropneumoniae, Streptococcus suis, Haemophilus parasuis...

Nếu lợn 5-9 tuần tuổi bị bệnh thường có tỷ lệ ốm ≤ 10%, khả năng tăng trọng thấp hơn so với lợn cùng lứa tuổi không bị bệnh.

Triệu chứng ở lợn vỗ béo

Thường quan sát thấy lợn có triệu chứng hô hấp. Tỷ lệ ốm có thể lên đến 100%, tỷ lệ chết chỉ từ 1-2% (trừ trường hợp bị kế phát một số bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt bệnh viêm phổi - màng phổi do APP).

Triệu chứng thường xuất hiện sau khi nhiễm 3-6 ngày, đặc trưng bởi hiện tượng sốt cao (41-42oC), lợn mệt mỏi, chán ăn, có triệu chứng hô hấp từ trung bình đến nặng. Trong thời gian sốt con vật đi táo. Lợn bị viêm mũi, hắt hơi, chảy nước mũi và viêm phổi. Lợn bệnh gầy còm, tăng trọng giảm rõ rệt. Sau 6-10 ngày, nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường, lợn thèm ăn trở lại.

Triệu chứng ở lợn nái và lợn đực giống

Lợn thường có triệu chứng hô hấp, ho và sốt. Virus có thể truyền qua nhau thai khiến cho con con bị nhiễm virus và chết. Ở con nái có chửa, hiện tượng sảy thai thường xảy ra (khoảng 50%), được coi là triệu chứng đầu tiên để chẩn đoán bệnh giả dại. Nếu lợn nái bị nhiễm virus ở lần chửa đầu tiên, thường có hiện tượng hấp phụ phôi và động dục trở lại. Nếu lợn bệnh tiếp tục chửa lần 2 hoặc lần 3, triệu chứng đặc trưng là hiện tượng sảy thai và đẻ non, lợn con sinh ra yếu ớt, còi cọc (triệu chứng càng rõ nếu lợn mẹ bị nhiễm virus càng gần thời gian chuẩn bị đẻ). Tỷ lệ chết không vượt quá 2%.

·        Phòng bệnh

Vệ sinh phòng bệnh

Một trong các biện pháp phòng bệnh giả dại có hiệu quả là phải khai báo và giám sát dịch bệnh. Tùy theo kết quả báo cáo có hay không có PRV, xây dựng chương trình tiêm phòng vacxin hoặc chương trình làm sạch bệnh. Tùy theo tình trạng sức khỏe của động vật trong khu vực, một số biện pháp có thể áp dụng như: giảm số lượng lợn trong đàn; thực hiện nghiêm ngặt quy định cho phép hoặc cấm giết mổ và vận chuyển lợn; biện pháp xử lý lợn chết, phân rác, thức ăn, nước uống thừa; tổng tẩy uế tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, áp dụng các biện pháp diệt chuột; không sử dụng tinh dịch của những đàn lợn bị bệnh; hạn chế người không có nhiệm vụ, mèo, chó, chuột vào khu vực chăn nuôi; đảm bảo an toàn sinh học.

Chỉ được mua lợn giống từ các cơ sở sạch bệnh.

Phòng bệnh bằng vacxin

Là biện pháp quan trọng trong chương trình phòng và làm sạch bệnh PR. Tiêm phòng vacxin giúp hạn chế thiệt hại do bệnh gây ra; tuy nhiên, không ngăn được sự lây lan của PRV do vacxin chỉ làm giảm mà không ngăn được sự mang virus ở những con lợn mang trùng tiềm tàng. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại vacxin để phòng bệnh.

Ở các nước sạch bệnh, không được tiêm phòng vacxin. Ở những vùng có PRV, nên tiêm phòng vacxin cho toàn đàn. Đàn lợn bố mẹ cần phải định kỳ tiêm phòng vacxin. Lợn con sinh ra từ lợn mẹ đã tiêm phòng cần được tiêm vacxin vào lúc 10-12 và 14-16 tuần tuổi. Nếu lợn mẹ chưa tiêm phòng, lợn con sinh ra cần được tiêm vacxin vào lúc 6 và 10 tuần tuổi.

Đường đưa vacxin thích hợp nhất là qua mũi (intranasal administration), giúp tạo miễn dịch qua sữa đầu, cũng như ngăn cản sự nhân lên và tồn tại của virus tốt hơn so với tiêm bắp. Tuy nhiên, phương pháp dùng qua mũi đòi hỏi nhiều nhân lực hơn so với tiêm bắp hay tiêm dưới da; vì vậy, chỉ khuyến cáo để phòng bệnh cho lợn con ở những đàn mới mắc PRV.

Chương trình làm sạch bệnh

Mục đích cuối cùng trong việc phòng chống bệnh PR là làm sạch bệnh, thường sử dụng vacxin đánh dấu kết hợp giữa tiêm phòng vacxin và chương trình làm sạch bệnh, bao gồm: chiến lược tiêm phòng vacxin cho toàn đàn, lấy mẫu giám định kháng thể IgE đặc hiệu trong huyết thanh, giết thịt những con lợn giống bị nhiễm virus và giai đoạn cuối cùng, không được tiêm phòng vacxin. Để làm sạch bệnh PR, một biện pháp đạt thành công nhất là giết thịt những con có phản ứng huyết thanh dương tính và quản lý nghiêm ngặt vận chuyển đàn. Tuy nhiên, biện pháp này tốn kém và đòi hỏi thời gian.

Ngoài ra, có thể áp dụng chiến lược làm sạch bệnh như sau:

-          Kiểm tra và tiêu hủy (test - and - removal) mà không tiêm vacxin.

-          Tiêm vacxin sau khi kiểm tra và tiêu hủy.

-          Loại bỏ những đàn bị bệnh dựa trên kết quả phản ứng huyết thanh học.

Kiểm tra và tiêu hủy được áp dụng khi có dưới 10% lợn giống trong đàn có phản ứng dương tính và không có bằng chứng cho thấy bệnh ở đàn lợn thịt và lợn nuôi vỗ béo. Cứ một tháng toàn đàn lợn giống phải được kiểm tra huyết thanh học một lần, những con có kết quả dương tính phải loại bỏ và giết thịt. Sau 1-2 lần kiểm tra ở các lần tiếp theo cho kết quả âm tính, đàn lợn được coi là sạch bệnh.

Tiêm vacxin sau khi kiểm tra và tiêu hủy được áp dụng khi có một tỷ lệ cao có phản ứng huyết thanh dương tính và/hoặc có bằng chứng cho thấy bệnh xảy ra ở đàn lợn thịt và lợn nuôi vỗ báo, toàn đàn cần phải tiêm phòng vacxin, trong đó đàn lợn giống có thể tiêm vacxin nhược độc hoặc vô hoạt (cứ 4 tháng phải tiêm nhắc lại). Lợn cai sữa thường được tiêm vacxin nhược độc (tiêm nhắc lại 2 lần: lần 1 lúc 10-12 tuần tuổi và lần 2 sau đó 4 tuần), nhưng cũng có thể tiêm một mũi duy nhất vào lúc 14 tuần tuổi.

Vacxin cần phải được tiêm phòng trong ít nhất 3 năm. Khi kết quả huyết thanh dương tính giảm xuống thấp, có thể áp dụng quy trình "Kiểm tra và tiêu hủy".

Loại bỏ những đàn bị bệnh được áp dụng ở những nơi nếu như chỉ một tỷ lệ nhỏ trại dương tính với PVR.

Lợn nái sinh sản phải đảm bảo lợn con sinh ra không mang PRV. Lợn hậu bị khi kiểm tra cũng phải âm tính với kháng thể IgE. Lợn mới mua về phải được nuôi cách ly trong thời gian 2-4 tuần.

Tại nhiều khu vực trên thế giới, do sự lưu hành của PRV ở động vật hoang dã khiến cho chương trình làm sạch bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

·        Điều trị

Vì là bệnh do virus nên không có biện pháp điều trị có hiệu quả. Trong trường hợp bị nhiễm trùng kế phát có thể sử dụng kháng sinh để điều trị./.