00:00 Số lượt truy cập: 2673199

Bệnh giun đũa ở bê, nghé 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh giun đũa ở bê, nghé phân bố ở tất cả các nước trên thế giới. Các nước nhiệt đới ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ, bê và nghé nhiễm giun đũa với tỷ lệ cao và bị thiệt hại nhiều. Ở Việt Nam, bệnh đã được phát hiện ở bê, nghé nội, nghé của giống trâu sữa Murrah và bê của các giống bò sữa nhập nội: Holstein Friesian, Sind, Brahman... Ở các vùng sinh thái từ Bắc đến Nam. Ở các cơ sở nuôi bò sữa thuộc Hà Nội, Vĩnh Phúc, bê non nhiễm giun đũa từ 10 - 18%.


* Triệu chứng

Bệnh ở bê, nghé tiến triển nhanh nhất là 5 ngày và chậm nhất là 48 ngày, phổ biến là 11-30 ngày. Bê, nghé thể hiện: dáng đi chậm chạp, đầu cúi, lưng cong, bệnh nặng dần, đôi lúc nằm dẫy dụa; nhìn bên ngoài thấy: lông con vật dựng đứng, xơ xác không mượt, da nhăn nheo. Đặc biệt, con vật bị bệnh thường ỉa lỏng, phân trắng xám hoặc trắng vàng, có mùi tanh khắm, đôi khi có lẫn máu. Đây là triệu chứng điển hình của bê, nghé bị bệnh giun đũa nên còn được gọi là "bệnh bê - nghé ỉa phân trắng".

Một số trường hợp bê, nghé có nhiễm khuẩn thứ phát nên sốt 40 - 410C, ỉa chảy nặng, bị mất nước, rối loạn điện giải, thường chết sau 7-12 ngày. Trước khi chết nhiệt độ giảm dưới mức bình thường (35-370C). Các trường hợp nhiễm giun nhẹ hơn, bệnh có thể kéo dài 15-20 ngày, sau đó bê, nghé chết trong tình trạng kiệt sức. Tỷ lệ số, bê nghé bị bệnh chết từ 20-30%.

Nếu được điều trị sớm, bê, nghé sẽ khỏi bệnh sau 5-10 ngày. Tuy nhiên bê, nghé vẫn chậm lớn, giảm tăng trọng so với bê, nghé không bị giun đũa.

* Bệnh tích

Mổ khám bê, nghé bị bệnh thì thấy: Trong ruột non có nhiều giun đũa cuộn thành từng búi, đôi khi thấy giun ở dạ múi khế và ống mật; niêm mạc ruột non bị sung huyết và tróc ra do viêm cata; trong ruột có nhiều sữa vón cục không tiêu hoá hết; đôi khi ở gan có các điểm hoại tử trắng gây ra do ấu trùng giun.

* Chẩn đoán bệnh

- Chẩn đoán lâm sàng

Hiện tượng ỉa lỏng, phân trắng, có mùi tanh khẳm có thể giúp cho việc xác định bệnh ở bê, nghé lứa tuổi 1-3 tháng.

- Chẩn đoán ký sinh trùng

Kiểm tra phân theo phương pháp phù nổi (Fulleborn) để tìm trứng giun đũa, có thể phát hiện 90 - 100% súc vật nhiễm giun.

* Dịch tễ học

- Bò sữa cũng như trâu, bò nội ở các lứa tuổi đều nhiễm giun đũa. Nhưng bê, nghé ở lứa tuổi 3-10 tuần thường bị nhiễm giun với tỷ lệ cao, từ 15-30%. Trong các trường hợp bị bệnh nặng, người ta có thể thấy bê, nghé 2 tháng tuổi nhiễm từ 500 - 800 giun đũa.

- Bò và trâu cái mang thai bị nhiễm giun có thể lây nhiễm cho nhau thai khi ấu trùng di hành trong máu. Súc vật cái trong thời gian nuôi con bị nhiễm giun cũng làm lây nhiễm giun cho con, vì ấu trùng giun có thể di hành qua máu vào tuyến sữa.

- Mùa vụ của bệnh: Bệnh xảy ra nhiều vào mùa sinh sản của trâu, bò từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Bò sữa sinh đẻ quanh năm nên bệnh giun đũa cũng lây nhiễm quanh năm trong đàn bê sữa.

* Điều trị bệnh

Có thể dùng 1 trong các hoá dược tẩy giun sau đây:

- Tetramisol: dùng liều 0,008 - 0,012g/kg thể trọng (8-12mg); cho bê uống một lần vào buổi sáng; tỷ lệ sạch giun sau khi dùng thuốc 90 - 96%. Có thể dùng dung dịch tiêm đã bán sẵn tiêm cho bê, nghé.

- Piperazin adipinat: dùng liều 0,30 - 0,50g/kg thể trọng; trộn lẫn thức ăn hoặc pha nước cho uống một lần; tỷ lệ tẩy sạch giun đạt 90 - 92%.

- Ivermectin: dùng liều 0,2mg/kg thể trọng; thuốc tiêm một lần; tỷ lệ tẩy sạch giun đạt 90 - 95%.

* Phòng bệnh

- Sử dụng 1 trong 3 hoá dược trên tẩy định kỳ cho đàn bò 3-4 tháng/lần ở các cơ sở có lưu hành bệnh giun đũa. Tẩy dự phòng cho bê, nghé ở hai thời điểm: 20 ngày tuổi và 30 ngày tuổi.

- Ủ phân để diệt trứng giun.

- Giữ gìn vệ sinh chuồng trại, nguồn nước uống và khu vực chăn thả, có định kỳ sử dụng thuốc sát trùng như: Cresyl 5%, Amitaz 1%, NaOH 3% để diệt mầm bệnh.