00:00 Số lượt truy cập: 2673127

Bệnh lở mồm long móng 

Được đăng : 03/11/2016

1. Phân bố

Bệnh lở mồm long móng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan rất nhanh, gây ra do virút ở hầu hết các loài động vật, phân bố khắp các châu lục, trừ Ôxtrâylia. Giai đoạn năm 1999 - 2001, nhiều ổ dịch lớn đã xảy ra ở châu Á, trong đó có Đài Loan, Malaixia, Inđônêxia, Bănglađét, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam...


Dịch cũng xảy ra ở các nước châu Âu như: Pháp, Anh, BồĐào Nha, Italia... gây thiệt hại lớn cho bò, dê, cừu (năm 2001).

Ở nước ta, từ năm 1954 trở về trước, bệnh đã xảy ra ở hầu hết các tỉnh từ Bắc đến Nam. Từ 1955 - 1980, các tỉnh phía Bắc đã cơ bản khống chế nhưng ở phía Nam dịch bệnh vẫn rải rác xảy ra ở các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Campuchia và Việt Nam - Lào. Từ năm 1998 - 2001, dịch bệnh này đã xảy ra ở 14 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Thanh Hoá, Quảng Nam, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang... dọc quốc lộ 1 và một số tỉnh biên giới, gây nhiều thiệt hại cho đàn trâu, bò và lợn. Giai đoạn từ 2001 - 2010: nhiều ổ dịch bệnh vẫn xảy ra rải rác ở các địa phương trên cả nước.

2. Nguyên nhân bệnh

Bệnh gây ra do một số chủng virút thuộc giống Aphthovirus họ Picornaviridae, thuộc nhóm virút có ARN. Cho đến nay đã phát hiện 7 serotyp (kiểu huyết thanh) virút lở mồm long móng, trong đó có các serotyp A, C, O được coi là các serotyp gây bệnh ở châu Phi là SAT1, SAT2, SAT3. Năm 1954 phát hiện một số serotyp gây bệnh ở châu Á: Asia 1.Trong mỗi serotyp chính bao gồm một số subtyp (nhóm nhỏ) như: O có 11 subtyp; A có 32; C có 5, SAT1 và SAT2 có 9. SAT3 có 4 và Asia l và O.

Ở pH = 6,9 virút bị ngừng khả năng cảm nhiễm trong 1 phút, ngược lại virút rất bền vững trong môi trường kiềm, cho đến khi pH>11, virút cũng nhanh chóng bị tiêu diệt. Nhiệt độ môi trường 45 - 560C sẽ làm tan rã protein dẫn đến mất khả năng gây bệnh và tính miễn dịch của virus. Ở 850C virút bị tiêu diệt trong vòng 1 phút. Ở nhiệt độ 20 - 250C virút sống được một số tuần. Virút không chịu sự tác động của axêton, chloroform, ête, phênol, nhưng rất mẫn cảm với axit, formol. Trong môi trường khô mùa hè, virút sống 14 ngày, mùa đông 4 tuần.

3. Triệu chứng và bệnh tích

Triệu chứng

Ở trâu, bò: Thời gian nung bệnh từ 2-7 ngày, đôi khi kéo dài tới 14 ngày. Súc vật bị bệnh thể hiện: sốt cao 41 - 41,70C; ăn ít hoặc không ăn, uống nước nhiều, nước dãi từ miệng chảy ra như bọt xà phòng. Sau khi sốt 2-3 ngày bắt đầu xuất hiện các mụn nhỏ ở lưỡi, hàm trên, môi, vòm khẩu cái, lỗ mũi. Mụn ở chân móng và kẽ móng làm súc vật què nằm bệt. Ở lưỡi, mụn mọc khắp mặt trên. Thành của mụn ban đầu có màu sáng, sau đó chuyển dần sang vàng và dày lên thành từng mảng. Sau 1-3 ngày các mụn vỡ, dịch lympho chảy ra và tạo thành vùng sẹo màu đỏ. Sẹo này được phủ bởi thành đã vỡ của mụn, sau 1-2 ngày được phủ bằng lớp tế bào biểu mô mọc dần từ ngoài vào trong. Các nốt loét ở chân do thường xuyên tiếp xúc với môi trường bẩn nên có thể bị nhiễm trùng, gây ra bong móng.

Đối với bò sữa, thường thấy những biến đổi ở núm vú, ban đầu là những mụn nhỏ, sau đó lớn dần lên và ăn sâu vào lớp trong, nhanh chóng nứt ra, đặc biệt ở thời kỳ cho sữa.

- Bệnh tích

Bệnh tích điển hình của bệnh lở mồm long móng là mụn và sẹo ở mồm và móng. Mụn có kích thước khác nhau, dịch trong mụn chứa đầy bạch cầu (lympho), sau khi vỡ ra thấy vết loét màu hồng. Với thể huỷ diệt có những biến đổi cơ vân, cơ tim, có thể gây viêm gan, thận và biến đổi ở lách, niêm mạc dạ cỏ.

4. Điều trị bệnh

Cho đến nay vẫn không có thuốc điều trị đặc hiệu vì mầm bệnh là virút. Ở những nước phát triển bệnh đã được thanh toán, nếu có bệnh xảy ra thì biện pháp khống chế tốt nhất là giết toàn đàn và tiêu huỷ xác chết.

5. Phòng bệnh

- Phòng bệnh bằng vắcxin

Trong quá trình bị bệnh con vật sản sinh kháng thể đặc hiệu chống lại serotyp virút lở mồm long móng đã nhiễm. Miễn dịch này xuất hiện sau 2-3 ngày. Trâu, bò có miễn dịch kéo dài 1-4 năm, nhưng lợn chỉ miễn dịch 4 tháng đến 1 năm, ở dê, cừu miễn dịch là 1 năm. Kháng thể tạo ra cũng có thể truyền qua sữa đầu. Hiệu lực miễn dịch thụ động qua sữa đầu phụ thuộc vào kháng thể của mẹ truyền sang con và có thể kéo dài 3-5 tháng.

Từ nghiên cứu trên, người ta đã chế tạo vắcxin phòng bệnh lở mồm long móng trên cơ sở nuôi cấy virút trên môi trường tế bào thận bò hoặc lợn, diệt virút bằng phenol, cho bổ trợ keo phèn. Hiện người ta dùng vắcxin đa giá chế từ các chủng virút typ A, O, Asia 1 phòng bệnh cho cả trâu, bò và lợn; vắcxin chế từ virút typ O chỉ phòng bệnh cho lợn.

Vắcxin được tiêm 2 liều cách nhau 3 tuần; tiêm theo định kỳ 6 tháng/1 lần ở những vùng có lưu hành bệnh cho toàn đàn trâu, bò, lợn.

- Thực hiện tốt vệ sinh thú y: Giữ gìn chuồng luôn khô sạch, định kỳ phun thuốc diệt trùng; ủ phân diệt mầm bệnh.

- Kiểm dịch nghiêm ngặt khi xuất nhập trâu, bò để loại trừ bò mang virút.

- Thực hiện các quy chế phòng chống bệnh lở mồm long móng theo quy định của Pháp lệnh thú y.