00:00 Số lượt truy cập: 2672976

Bệnh nhiễm trùng huyết ở thủy cầm (Riemerella anatipestifer infection) 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh nhiễm trùng huyết ở thủy cầm Riemerella anatipestifer (RA) là một bệnh truyền nhiễm ở các loài vịt, ngỗng, gà tây, nhiều loại chim nuôi và chim hoang dã. Bệnh có nhiều tên gọi khác nhau như: bệnh nhiễm trùng huyết ở vịt, hội chứng nhiễm trùng huyết ở thủy cầm, viêm thanh dịch truyền nhiễm. Riêng ở ngỗng, bệnh còn gọi là bệnh cúm ngỗng hoặc viêm tiết dịch và nhiễm trùng huyết ở ngỗng. Bệnh thường xảy ra ở dạng nhiễm trùng huyết cấp tính hoặc mạn tính với các đặc điểm như viêm ngoại tâm mạc có fibrin, viêm bề mặt gan, viêm túi khí, viêm vòi trứng có casein và viêm màng não.


Bệnh gây ra những thiết hại về kinh tế đáng kể cho ngành chăn nuôi vịt trên toàn thế giới do tỷ lệ chết và tỷ lệ loại thải cao, giảm tăng trọng, giảm chất lượng. Ngoài ra, các chương trình phòng chống bằng vacxin hay điều trị cũng sẽ làm tăng các chi phí chăn nuôi. Bệnh không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.

· Triệu chứng

Thời gian nung bệnh từ 2-5 ngày. Gây bệnh thực nghiệm cho vịt bằng cách tiêm dưới da hoặc đường xoang hốc mắt sẽ dẫn đến các biểu hiện lâm sàng rõ và con vật bị chết trong vòng 24 giờ sau khi gây nhiễm.

Các biểu hiện thường gặp là con vật mệt mỏi, chảy nước mắt, nước mũi, ho nhẹ, tiêu chảy phân màu xanh, mất cân bằng, đầu và cổ run, có thể bị hôn mê. Con vật bị bệnh nằm bẹp đè lên hai chân sau, không có khả năng di chuyển. Nếu môi trường bên ngoài bất lợi hoặc con vật cùng một lúc bị mắc các bệnh khác sẽ làm tăng khả năng cảm nhiễm với vi khuẩn. Tỷ lệ chết có thể dao động từ 5-75% nhưng tỷ lệ mắc bệnh thường cao hơn.

· Bệnh tích

Ở vịt quan sát rõ nhất là viêm tơ huyết, đặc biệt là ở xoang bao tim, bề mặt gan và các túi khí. Các bệnh tích tương tự cũng thấy ở gà tây và các loài vật khác. Viêm túi khí dạng tơ huyết cũng thường gặp ở các túi khí vùng ngực và vùng bụng. Lách sưng và có các điểm hoại tử lốm đốm. Xoang mũi có chứa dịch rỉ viêm dạng mủ. Vòi trứng có dịch rỉ viêm dạng casein. Những biểu hiện nhiễm trùng mạn tính cục bộ thường thấy ở da, đôi khi ở khớp. Bệnh tích trên da thường là rơ dạng viêm mạn tính vùng da phía dưới hoặc xung quanh lỗ huyệt. Dịch rỉ viêm tiết ra có màu vàng thường được quan sát thấy giưa lớp da và lớp mỡ.

· Chẩn đoán lâm sàng

Phương pháp chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa trên các quan sát về triệu chứng, bệnh tích, kết hợp với nuôi cấy, phân lập vi khuẩn trong phòng thí nghiệm.

Cần chẩn đoán phân biệt với bệnh nhiễm trùng huyết gây ra bởi Pasteurella multocida, Coenonia anatina, E. coli, Streptococcus faecium và các vi khuẩn thuộc loài Salmonella, do bệnh gây ra bởi những vi khuẩn này cũng có biểu hiện gần giống nhau. Ngoài ra, ở gà tây nên chẩn đoán phân biệt với bệnh do Chlamydia gây ra.

· Điều trị

Một số loại kháng sinh như novobiocin (0,0303 - 0,0368%), lincomycin (0,011 - 0,022%), spectinomycin, penicillin, streptomycin, enrofloxacin) hoặc các thuốc thuộc nhóm sulfamid như sulfamethazine (0,2-0,25%), sulfaquinoxaline (0,025 - 0,05%) dùng tiêm bắp hoặc bổ sung vào thức ăn hoặc nước uống có tác dụng điều trị bệnh tốt. Trong khi đó tetracycline ít có tác dụng điều trị bệnh do RA gây ra. Hiện nay, enrofloxacin được ghi nhận cho hiệu quả điều trị cao nhất, giảm tỷ lệ chết; liều lượng sử dụng trong ngày đầu (50ppm), trong bốn ngày tiếp theo là 25ppm.

· Vệ sinh phòng bệnh

Biện pháp phòng bệnh quan trọng là đảm bảo an toàn sinh học, quản lý đàn tốt, vệ sinh tiêu độc chuồng trai. Cần đảm bảo độ thông thoáng của chuồngnuôi, tránh nuôi mật độ quá lớn, nhiệt độ chuồng nuôi quá nóng hoặc quá lạnh.

· Phòng bệnh bằng vacxin

Các loại vacxin vô hoạt (có hoặc không có bổ trợ dầu), chứa các chủng gây bệnh thuộc serotyp (1, 2 và 5) đang được thử nghiệm để phòng bệnh cho vịt 1 ngày tuổi bằng khí dung hoặc bổ sung vào nước uống, có thể bảo hộ vịt tới 42 ngày tuổi.

Có thể dùng vacxin cho vịt giống để tạo miễn dịch cho con và kháng thể có thể bảo vệ con tới 2-3 tuần tuổi./.