00:00 Số lượt truy cập: 2690683

Bệnh phù thũng ở lợn 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh phù thũng thường xảy ra ở lợn từ 3 ngày đến 2 tuần sau khi cai sữa, song thỉnh thoảng xuất hiện ở lợn choai. Những lợn bị nhiễm bệnh phát triển triệu chứng thần kinh hoặc chết bất ngờ.


Phù thũng là sự tích đọng nhiều nước dịch ở các tổ chức của cơ thể. Bệnh được gọi tên là "bệnh phù thũng" hoặc "bệnh phù ruột", bởi vì người ta đã tìm thấy nước tích đọng ở thành dạ dày và thành ruột hoặc dưới mi mắt của một số lợn ốm. Lợn nhiễm bệnh có thể dịch tích đọng ở nhiều phần của cơ thể, song ở não là phần quan trọng nhất và gây ra các triệu chứng lâm sàng. Bệnh xảy ra ở tất cả các khu vực trên thế giới.

* Nguyên nhângây bệnh

Nguyên nhân là do sự phát triển nhanh của một số chủng vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) ở ruột non. Sau cai sữa số lượng E. coli ở ruột có chiều hướng tăng. Có nhiều chủng E. coli, phần lớn chúng không gây phù thũng. Nhưng nếu có chủng E. coli dung huyết sẽ gây phù thũng ở ruột. Chúng sẽ tăng lên trong giai đoạn sau cai sữa và trở thành vi khuẩn trội ở ruột non.

Chủng E. coli gây bệnh phù thũng tạo ra một hoặc nhiều độc tố (toxin), các độc tố từ ruột vào máu, làm tổn thương tĩnh mạch và ảnh hưởng tới huyết áp làm dịch thoát từ tĩnh mạch và tích đọng ở nhiều tổ chức của cơ thể. Việc tích đọng dịch ở não là quan trọng hơn cả, nó có thể phá huỷ một số tổ chức của não và trong nhiều ca gây chết gia súc đột ngột.

* Triệu chứng

Có thể bắt gặp một hoặc nhiều lợn chết bất ngờ. Cùng một lúc với bệnh có triệu chứng thần kinh: đi lảo đảo, đầu nghiêng, vấp ngã và đổ kềnh. Lợn ở tư thế "chó ngồi" nằm sấp hoặc nằm nghiêng và co giật liên tục. Lợn bị mắc bệnh không bị sốt ngay cả khi nhiệt độ môi trường cao hơn bình thường. Một số con mi mắt sưng tấy. Tỷ lệ chết ở đàn lợn có triệu chứng khoảng 65%. Diễn biến bệnh kéo dài 2 - 5 ngày, nhưng ở một số đàn lợn bị bệnh tái phát 10 ngày tới 2 tuần sau. Ở lần nhiễm thứ hai này, lợn bị mắc bệnh thường bước chậm quanh ô chuồng, đầu hơi nghểnh cao hoặc nghiêng về một bên. Lợn bị phù ở mí mắt, mặt và vùng đầu cổ nên còn gọi là “bệnh phù đầu”.

* Điều trịbệnh

- Thay đổi đột ngột khẩu phần ăn có thể đề phòng được bệnh gia tăng. Thay đổi khẩu phần làm thay đổi điều kiện tăng trưởng cho vi khuẩn trong ruột, cho phép các chủng vi khuẩn khác sinh sôi và thay thế các chủng E. coli gây phù thũng. Thay đổi thức ăn đơn giản chỉ là một biện pháp để biến đổi điều kiện sinh trưởng của vi khuẩn ở ruột. Việc ngừng cho ăn tạm thời hoặc cho ăn trong 1 - 2 ngày với khẩu phần thay đổi hoàn toàn có tác dụng hiệu quả hơn.

- Điều trị bằng thuốc kháng sinh giúp việc diệt mầm bệnh trên gia súc. Điều trị lợn đã có biểu hiện lâm sàng thường không có hiệu quả cao, vì kháng sinh có thể diệt được vi khuẩn E. coli nhưng độc tố của chúng có trong máu của lợn vẫn gây tác hại với lợn.

Các kháng sinh sau đây có tác dụng diệt các chủng E. coli gây dung huyết:

- Oxytetracyclin:40mg/kg thể trọng.

- Florfenicol: 3mg/kg thể trọng.

- Ceptiofur: 3mg/kg thể trọng.

- Colistin: 30 mg/kg thể trọng.

- Enrofloxacin:20 mg/kg thể trọng.

- Neomycin:40mg/kg thể trọng.

- Kanamycin:40mg/kg thể trọng.

Có thể sử dụng một trong các phác đồ có hiệu lực sau đây:

Phác đồ 1:

- Thuốc điều trị RTD Septicus (Hanceft, Ceptiofur, navet-cel) dùng liều 1ml/ 10 - 15 kg thể trọng, tiêm bắp 3 ngày.

- Thuốc trợ sức: Tiêm cafein hoặc long não nước, kết hợp với vitamin B1, C; cho uống dung dịch điện giải.

- Hộ lý: Cách ly điều trị; giữ gìn chuồng trại khô sạch; nuôi dưỡng chăm sóc tốt lợn bị bệnh.

Phác đồ 2:

- Thuốc điều trị: Hanflor (RTD Flocol, Florfenicol) dùng liều 1ml/20kg thể trọng. Tiêm bắp 2 ngày/lần. Mỗi vị trí tiêm không quá 20ml.

- Thuốc trợ sức: như Phác đồ 1.

- Hộ lý: như Phác đồ 1.

Phác đồ 3:

- Thuốc điều trị: Enrovet 10% INJ (HN Erovet 50T).

- Thuốc trợ sức: như Phác đồ 1.

- Hộ lý: như Phác đồ 1.

Phác đồ 4 :

- Thuốc điều trị: Hanocyclin L.A (OTC 20% INJ LA) liều dùng 1 ml/15kg thể trọng, tiêm bắp thịt 3 ngày/lần.

- Thuốc trợ sức: như Phác đồ 1.

- Hộ lý: như Phác đồ 1.

* Phòng bệnh

- Tiêm vắcxin phòng bệnh: hiện nay vắcxin đã được nghiên cứu chế tạo bằng phương pháp chọn lọc một số chủng E. coli phân lập từ lợn bị bệnh phù đầu. Đây là một loại vắcxin chết vô hoạt có hiệu lực trong việc phòng bệnh phù đầu ở lợn do E. coli. Viện Thú y phối hợp với Trung tâm Thú y Cần Thơ nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm vắcxin có hiệu lực cao ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

- Thực hiện vệ sinh chuồng trại làm giảm sự hoạt động của E. coli.

- Cho lợn ăn các khẩu phần thức ăn phù hợp: thay đổi khẩu phần khi có hiện tượng phù đầu của lợn sau cai sữa.