00:00 Số lượt truy cập: 2690712

Bệnh thối móng truyền nhiễm (Footrot) 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh thối móng truyền nhiễm là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gây ảnh hưởng đến phần biểu bì (da ở kẽ các ngón chân) của bò, dê và cừu. Bệnh tiến triển làm chi con vật bị què. Bệnh ít làm chết bò nhưng bò thường bị đau chân, thậm chí què chân, ăn kém, suy yếu dần, giảm cho sữa, cuối cùng sẽ phải loại thải, gây nhiều thiệt hại về kinh tế.


Bệnh được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1869. Bệnh xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, nhiều nhất ở các nước khí hậu ôn đới và mưa nhiều. Những vùng đất khô cằn bệnh ít xảy ra. Bệnh thường gặp ở bò trên các đồng cỏ Australia, New Zealand, Argentina, Indonesia...

Ở Việt Nam, bệnh đã xảy ra ở các đàn bò sữa nhập nội trong quá trình vận chuyển đến Việt Nam. Bệnh đã lây lan trong đàn bò sữa nuôi tập trung tại một số tỉnh: Vĩnh Phúc, Hà Nam, Tuyên Quang, Sơn La... Tỷ lệ bị bệnh ở đàn bò mới nhập khoảng 10-12%.

* Loài vật mắc bệnh

Trong tự nhiên, bò, dê, cừu đều mắc bệnh. Bệnh lây lan rộng trong đàn gia súc nuôi tập trung, chăn thả trên đồng cỏ nên người ta còn gọi là bệnh "thối móng truyền nhiễm đồng cỏ".

* Phương thức truyền lây

Mầm bệnh từ súc vật bệnh thải ra môi trường có thể tồn tại rất lâu, gây ô nhiễm môi trường. Đó là điều kiện cho bệnh lưu hành trong đàn gia súc trên đồng cỏ, rất khó thanh toán.

Bệnh có thể truyền trực tiếp hoặc gián tiếp. Mầm bệnh tồn tại ở những vùng đất ẩm ướt, bẩn, thường xâm nhập vào cơ thể qua các tổn thương ở da kẽ các ngón chân. Những tổn thương này có thể do dẫm phải đá, gốc rạ, que gậy, đồng cỏ khô...

Bệnh lây nhiễm quanh năm nhưng thường xuất hiện nhiều vào các tháng ấm áp, mưa nhiều làm cho bãi chăn ẩm ướt. Người ta thấy: các ổ dịch thối móng truyền nhiễm thường xảy ra vào mùa mưa, nóng ẩm từ cuối mùa xuân đến mùa thu.

Con vật mắc bệnh ở mọi lứa tuổi.

* Cơ chế sịnh bệnh

Điều kiện thuận lợi làm cho vi khuẩn xâm nhập vào chân súc vật là da chân bị thương do ngoại vật hoặc ngã. Cơ chế sinh bệnh của vi khuẩn có liên quan đến khả năng bám dính vào tế bào vật chủ, đồng thới có hoạt tính dung giải protein.

* Triệu chứng

Thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày. Vi khuẩn xâm nhập vào các vết thương, gây viêm tại chỗ sau đó tiến sâu vào tổ chức cơ, dây chằng, khớp chân làm cho ổ viêm lan rộng ở bên trong; nhưng bên ngoài chỉ thấy các vết nhỏ, chảy dịch màu đen vàng, đặc biệt có mùi hôi thối. Các ổ viêm sẽ làm tổn thương tổ chức cơ xương của súc vật bệnh, dẫn đến què chân, có thể què 1, 2, 3 chân hoặc cả 4 chân. Vật bệnh đi lại khó khăn, thường đi khập khiễng, phải quỳ hoặc nằm tại chỗ khi ăn và uống nước, có trường hợp con vật bị liệt. Các trường hợp bị bệnh nặng, móng chân có thể bong ra làm cho vật bệnh không đi lại được.

Nếu không điều trị kịp thời, khớp của gia súc sẽ bị ảnh hưởng, gây viêm, hoại tử. Một số súc vật có biến chứng nhiễm trùng huyết, thể hiện sốt cao li bì, ổ viêm sưng thũng rất to, hoại tử, chảy nhiều dịch thối... có thế dẫn đến tử vong.

* Phòng bệnh

Thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:

-   Phát hiện sớm bò bị bệnh, cách ly điều trị triệt để như quy trình điều trị; súc vật điều trị khỏi bệnh mới cho nhập đàn. Nếu bò bị bệnh quá nặng, không có khả năng điều trị khỏi, điều trị quá lâu, tốn kém thì phải loại khỏi đàn.

-   Chuồng trại và bãi chăn thả cần dọn vệ sinh khô sạch hàng ngày, tránh các vật sắc nhọn gây tổn thương gia súc. Định kỳ phun thuốc diệt trùng để diệt mầm bệnh. Có thể dùng một trong các loại như: formol 3%; xút 3%; iod 5 ‰...

-   Kiểm dịch nghiêm ngặt khi nhận bò mới vào trại để loại trừ bò bị bệnh; chú ý không nhận bò từ các vùng có lưu hành bệnh.

-   Hiện nay, một số nước đã chế tạo vacxin phòng bệnh cho bò. Trong điều kiện có thể được thì nên tiêm vacxin cho đàn bò trước mùa mưa là mùa bệnh thường lây lan. Tuy nhiên, việc tiêm vacxin chưa đạt hiệu quả cao trong phòng bệnh thối móng truyền nhiễm.

* Điều trị

Điều trị bệnh bao gồm các biện pháp

-   Ngâm chân bò bệnh vào thuốc sát trùng. Có thể dùng các 3 dung dịch như: sulfate kẽm (ZnSO4) 10-20%, sulfate đồng (CuSO4) 5%, formol 5-10%. Thời gian ngâm khoảng 10-15 phút. Vì các dung dịch trên đều gây xót tổ chức bị tổn thương, nên có thể pha thêm novocain để giảm đau (20ml dung dịch novocain/ 1 lít dung dịch).

-   Sau khi ngâm chân, cần cắt bỏ hết các tổ chức bị viêm hoại tử ở chân, bộc lộ vết thương với không khí sẽ giúp vết thương chóng lành. Tất cả dụng cụ đều phải sát trùng cẩn thận và tay người làm tiểu phẫu phải rửa sạch, sát trùng và đi găng tay cao su. Trong quá trình thực hiện cắt bỏ tổ chức hoại tử, dao, kéo phải được sát trúng giữa các lần mổ bằng cách nhúng vào dung dịch sulfate kẽm 10% hoặc dung dịch iod 2%.

-   Bơm dung dịch kháng sinh hỗn hợp streptomycin (1 gam), penicillin (1.000UI) pha trong 100ml nước cất sau khi cắt bỏ tổ chức hoại tử ở chân móng; rồi rắc sulfamid ngoài vết thương; sau đó, dùng bao nilon bọc chân súc vật đã làm tiểu phẫu để chân không tiếp xúc với nền chuồng dễ nhiễm khuẩn lại. Chú ý: bao nilon phải chọc thủng nhiều lỗ ở trên để không khí có thể vào được.

Súc vật bị bệnh nặng cần tiếp tục tiêm kháng sinh điều trị khoảng 4-5 ngày, kháng sinh cần phối hợp: penicillin (liều 30.000 đơn vị/ kg TT và streptomycin liều 20mg/kg TT). Dùng thêm các loại thuốc nâng cao sức đề kháng cho súc vật như vitamin B1, C và cafein.

Hiện nay, kháng sinh ceftiofur sodium (Naxcel®) là thuốc lựa chọn số một để điều trị bệnh thối móng truyền nhiễm do không thải qua sữa và không tổn dư trong thịt. Ngoài ra, có thể dùng oxytetracycline và sulphamid để điều trị tương đối có hiệu quả./.