00:00 Số lượt truy cập: 2690724

Bệnh tích nước bao tim ở động vật nhai lại 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh tích nước bao tim (Heartwater, hay còn gọi là cowdriosis) là một bệnh ở loài nhai lại do rickettsia gây ra. Tác nhân gây bệnh là Ehrlichia ruminantium (hay Cowdria ruminantium) được lây truyền bởi một số loài ve Amblyomma. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là vật sốt cao đột ngột, thở nhanh, phổi phù, có triệu chứng thần kinh, tích nước bao tim và chết với tỷ lệ cao.


Bệnh được biết đến từ năm 1830 ở cừu mắc bệnh tại Nam Phi, nhưng mãi đến 1980, người ta mới nghiên cứu tìm ra mầm bệnh và vật chủ trung gian truyền bệnh là ve Amblyomma ở đảo Guadeloupe thuộc vùng biển Caribê. Bệnh được phát hiện ở các nước nhiệt đới châu Phi như: Nam Phi, Madagasca, các nước vùng Nam châu Phi giáp với sa mạc Shahara và các nước thuộc vùng Caribê. Bệnh thường xảy ra rất nặng ở đàn bò sữa, bò thịt nhập từ các nước châu Âu, Bắc Mỹ làm cho bò chết nhiều, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Ở Việt Nam, bệnh này chưa được nghiên cứu.

Bệnh do Cowdria ruminantium (bộ Ehrlichieae, họ Rickettsiaceae) gây ra. Các chủng C. ruminantium có tính gây bệnh khác nhau, tất cả đều gây bệnh cho dê và cừu nhưng có ít nhất một chủng không gây bệnh cho bò.

· Triệu chứng:

Thời gian ủ bệnh từ 7-10 ngày đối với cừu và 10-16 ngày đối với bò.

Súc vật mắc bệnh thể hiện 4 loại triệu chứng lâm sàng, tùy thuộc vào tính mẫn cảm của vật chủ và độc lực của những chủng C. ruminantium gây bệnh.

-   Thể quá cấp tính: rất hiếm, thường chỉ gặp ở các giống bò, dê và cừu nhập vào châu Phi. Bò cái có chửa rất mẫn cảm với thể này. Con vật sốt cao, khó thở trầm trọng, phản xạ quá mẫn, co giật và chết đột ngột. Ỉa chảy dữ dội cũng xuất hiện ở một số giống bò nhập nội.

-   Thể cấp tính: xảy ra phổ biến ở các giống bò, dê, cừu địa phương cũng như giống nhập nội. Triệu chứng đặc trưng là con vật sốt cao đột ngột (lên đến 42o), sau đó bỏ ăn, nằm bệt, mệt lả và thở nhanh, một số trường hợp đi ỉa chảy. Một số triệu chứng thần kinh xuất hiện ở vật bệnh như: đi vòng tròn, co mí mắt, thè lưỡi, đi xiêu vẹo với các bước hụt. Vật bệnh đứng vẹo về một bên và đầu cúi thấp. Nhiều con trở nên hung hăng. Các triệu chứng tiến triển nhanh như: cứng miệng, chảy nước dãi, liệt cơ hàm, chứng giật cầu mắt, ỉa chảy nặng. Sau một tuần với các dấu hiệu lâm sàng trên, con vật ngã quay, co giật và chết.

Đi vòng quanh, bắp thịt run rẩy và cử động không tự chủ được là những dấu hiệu thường gặp trước khi súc vật chết. Phù thũng, bại liệt cũng thấy ở giai đoạn kết thúc của bệnh.

-   Trong một số trường hợp, bệnh diễn biến ở thể á cấp tính. Triệu chứng bao gồm sốt kéo dài, ho và cơ thể mất sự phối hợp. Con vật chết hoặc qua khỏi sau 1-2 tuần.

-   Thể nhẹ thường gặp ở bê dưới 3 tháng tuổi, linh dương và một số giống bò, dê địa phương. Con vật chỉ có hiện tượng sốt trong một thời gian ngắn, nên còn được gọi là bệnh sốt do bao tim tích nước "heartwater fever".

Tỷ lệ ốm, tỷ lệ chết: Những con vật bệnh (trừ cừu, dê và bò) nếu không điều trị thường bị chết. Tỷ lệ chết ở bò thường là 60%; cừu merino chết 80%. Những giống gia súc như cừu Persian và Afrikander thường chết ít hơn, tỷ lệ chết khoảng 6%.

· Phòng bệnh: Áp dụng các biện pháp hạn chế, tiêu diệt ve. Hiện chưa có vacxin phòng bệnh.

· Điều trị: Bệnh tích nước bao tim ở các loài gia súc nhai lại được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu tetracycline, nhóm flouroquinolone. Dưới đây là phác đồ điều trị cho bò sữa và dê sữa.

Thuốc diệt mầm bệnh: (tetracycline hoặc oxytetracycline)

-   Liều dùng: 20mg/kgTT

-   Liệu trình 5-6 ngày liên tục

-   Sử dụng: Pha thuốc với nước cất theo tỷ lệ 10-20%, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.

Thuốc trợ tim mạch:

Truyền dung dịch nước sinh lý 9, dung dịch glucose đẳng trương 5% cho súc vật với liều 1.000ml/100kgTT/ngày.

Thuốc chữa triệu chứng

-   Tiêm vitamin C, K để chống xuất huyết cho súc vật.

-   Tiêm analgin để hạ nhiệt và an thần với liều 2ml/20kgTT/ngày.

Hộ lý

-   Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt súc vật

-   Cách ly súc vật ốm để điều trị.

-   Thực hiện vệ sinh chuồng trại và nơi chăn thả./.