00:00 Số lượt truy cập: 2679167

Bệnh tiên mao trùng ở ngựa 

Được đăng : 03/11/2016

Loài tiên mao trùng Trypanosoma evansi thuộc họ Trypanosomatidae, bộ Mastigophora ký sinh ở huyết tương (ngoài hồng cầu) của trâu, bò, ngựa, gây bệnh Surra ở nhiều nước vùng nhiệt đới thuộc châu Á, châu Phi, Nam Mỹ...Ở nước ta, bệnh tiên mao trùng ở ngựa do T.evansi, phân bố rộng ở các tỉnh trung du và miền núi. Bệnh được phát hiện từ rất lâu (năm 1886) nhưng đến nay, bệnh vẫn còn là một trở ngại cho chăn nuôi trâu, bò, ngựa, gây nhiều thiệt hại về kinh tế hàng năm ở nước ta.


Bệnh lý

Khi ruồi mang mầm bệnh hút máu trâu, bò, ngựa sau khoảng 1 tuần con vật sốt, nhiệt độ lên tới 40- 41,70C. Cơn sốt gián đoạn nhiều đợt không theo quy luật. Khi con vật sốt, trong máu có nhiều ký sinh trùng. Nếu bệnh nhẹ, khoảng cách giữa 2 cơn sốt kéo dài 1-2 tháng. Niêm mạc mắt tụ máu màu đỏ sẫm, chảy nước mắt. Mắt có dử đặc, đôi khi bị sưng mắt. Ở chân, háng, vú, bìu dịch hoàn, âm hộ, bụng, nách, ngực, hầu dưới hàm có hiện tượng thuỷ thũng (phù). Ngựa gầy sút nhanh, kém ăn. Bệnh có thể kéo dài tới 1-3 tháng. Khi ngựa bị bệnh nặng, sốt cao đột ngột, máu có nhiều ký sinh trùng, bệnh chưa kịp phát ra các triệu chứng điển hình nhưng ngựa đã lăn lộn như điên rồi chết.

Ngựa có thời gian ủ bệnh từ 4-7 ngày, phát bệnh thường ở cấp tính từ 15-30 ngày và mãn tính là 4-6 tháng. Triệu chứng điển hình ở ngựa là sốt 40- 41,70C gián đoạn. Tim đập nhanh 60 - 80 lần/phút, hô hấp tăng. Ngựa kém ăn, gầy dần, thiếu máu nặng, hạch sưng. Phù xuất hiện ở bụng, âm hộ, ngực, vú khoảng 7 ngày sau khi nhiễm. Con vật mệt mỏi, đi đứng xiêu vẹo, quay vòng, 4 chân run, hay nằm, liệt chân và chết, nếu không được điều trị kịp thời.

Triệu chứng lâm sàng

Độc tố của tiên mao trùng Trypanotoxin vào hệ thần kinh làm rối loạn chức năng điều hoà thân nhiệt, gây sốt cao. Tiên mao trùng còn ngăn trở chức năng tạo hồng huyết cầu của lách, tuỷ xương, làm lượng hồng cầu giảm sút nhiều. Hồng cầu bị tan vỡ biến thành chất vàng của mật (đảm sắc tố) ngấm vào cơ thể làm niêm mạc vàng. Tiên mao trùng sinh sản nhiều còn làm tắc các mạch máu nhỏ, làm thương tổn vách mạch máu, huyết dịch xuất ra ngoài nhiều, gây thuỷ thũng. Do hệ thần kinh bị trúng độc, con vật ốm có triệu chứng thần kinh: run rẩy, bại liệt, cứng chân, lăn lộn điên cuồng trước khi chết. Ngựa cái thời kỳ mang thai nhiễm tiên mao trùng thường bị sảy thai.

Chẩn đoán bệnh

- Căn cứ vào triệu chứng điển hình như sốt cao gián đoạn, gây sút nhanh, thuỷ thũng, liệt chân..., kết hợp với dẫn liệu dịch tễ học: vùng, mùa, môi giới truyền bệnh để chẩn đoán.

- Xét nghiệm máu bằng các phương pháp: xem tươi, nhuộm Giemsa, kiểm tra dưới kính hiển vi tìm ký sinh trùng.

- Dùng phương pháp ngưng kết trực tiếp trên phiến kính: lấy huyết thanh của vật nghi bị bệnh nhỏ vào 1 giọt máu chuột có tiên mao trùng, hoà lẫn đậy lam kính kiểm tra dưới kính hiển vi. Nếu tiên mao trùng ngưng kết thành đám tròn như hoa cúc là dương tính.

- Dùng phương pháp ngưng kết trên tấm Card, phương pháp huỳnh quang gián tiếp IFAT, phương pháp ELISA để chẩn đoán cho độ chính xác cao và phát hiện bệnh sớm.

- Ở nước ta thường dùng phương pháp tiêm truyền qua động vật thí nghiệm (chuột bạch) để chẩn đoán, cho độ chính xác cao.

Điều trị bệnh

Phải kết hợp điều trị diệt ký sinh trùng, dùng thuốc hỗ trợ (trợ tim) và tăng cường chăm sóc bồi dưỡng cho con vật. Có thể dùng một trong những thuốc sau:

- Naganin (Naganol, Bayer 205, Suramin). Liều 0,01 - 0,015 g/kg thể trọng. Pha với nước sinh lý hoặc nước cất thành dung dịch 10% tiêm vào tĩnh mạch tai hoặc cổ. Thuốc pha xong phải dùng hết trong ngày. Nếu tiêm quá liều sẽ ảnh hưởng đến tim, thận, gan. Có thể tiêm 2 lần cách nhau 1-2 ngày với tổng liều 0,02 g/kg thể trọng.

- Trypamidium liều 1mg/kg thể trọng, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch (pha với nước cất thành dung dịch 1%). Trước khi tiêm phải dùng thuốc trợ tim (long não hoặc cafêin).

- Veriben (=Berenil, Azidin) liều 3,5mg/kg thể trọng pha nước cất thành dung dịch 10% tiêm bắp thịt hoặc tĩnh mạch. Trước khi tiêm phải dùng thuốc trợ tim mạch.

- Hộ lý: Khi điều trị cho ngựa nghỉ làm việc 2 - 3 ngày và chăm sóc nuôi dưỡng tốt.

Phòng bệnh

- Ngăn không cho tiên mao trùng xâm nhập vào ngựa: Chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, có mành che.

- Định kỳ chẩn đoán tiên mao trùng và điều trị những trâu, bò, ngựa dương tính ít nhất mỗi năm 2 lần vào cuối xuân và đầu thu.

- Điều trị bổ sung những ngựa, trâu, bò ốm bằng Naganin, Trypamidium... Kiểm tra tiên mao trùng và điều trị những gia súc mới nhập trước khi nhập đàn.

- Ngăn ngừa không cho ruồi và mòng truyền bệnh: dùng thuốc xua côn trùng và diệt ruồi mòng, phát hiện bệnh sớm và chữa bệnh kịp thời.