00:00 Số lượt truy cập: 2673181

Bệnh tỵ thư ở ngựa 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh tỵ thư là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn ở ngựa, lừa, la và các loài thú họ ngựa (Equidae), phân bố ở các nước châu Á: Trung Quốc, Triều Tiên, Mianma, Pakixtan, Thái Lan, Lào, Ấn Độ, Campuchia, Việt Nam và một số nước châu Phi: Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Nigêria.. Bệnh gây nhiều thiệt hại về kinh tế cho việc chăn nuôi ngựa, lừa và có thể lây nhiễm sang người.


Ở nước ta trước năm 1945, nhiều ổ dịch tỵ thư đã xảy ra ở đàn ngựa nuôi tại các tỉnh miền núi phía Bắc: Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng, Phú Thọ.... Những năm gần đây không thấy bệnh xuất hiện trở lại ở nước ta (theo kết quả điều tra bệnh ở vật nuôi 6 tỉnh miền núi của Viện Hợp tác kỹ thuật châu Á và Thái Bình Dương, năm 1999 - 2001).

Vi khuẩn Pseudomonas mallei (hiện nay được gọi là Burkholderia mallei) là tác nhân gây bệnh cho ngựa, lừa, la (họ Equidae). Đó là một vi khuẩn hiếu khí, Gram âm (-), sức đề kháng không cao trong điều kiện môi trường tự nhiên, sống được 20 ngày trong nước và tồn tại được 6 tuần ở nơi thiếu ánh sáng mặt trời, bị diệt bởi các chất sát trùng thông thường: axit phenic 3%, cresyl 5%, dung dịch NaOH 3%.

Bệnh lý:

Vi khuẩn P.mallei(hoặc B. mallei) xâm nhập vào cơ thể súc vật chủ yếu qua thức ăn và nước uống bị ô nhiễm. Sau khi vào cơ thể, vi khuẩn đi vào niêm mạc miệng, vào hạch hầu, rồi vào máu hoặc xuyên qua niêm mạc ruột vào hạch ruột, từ đó vào máu. Máu đem vi khuẩn đến các nội tạng của
súc vật gây ra thể bệnh toàn thân: sốt cao 40 - 410C, ăn ít hoặc bỏ ăn, thở khó. Cuối cùng, vi khuẩn
tác động đến các cơ quan hô hấp: mũi, phế quản, phổi hoặc ngoài da. Căn cứ vào các vị trí gây bệnh và biến đổi bệnh lý mà người ta chia ra 5 thể bệnh sau đây:

Triệu chứng lâm sàng:

- Thể bệnh cấp tính:Thường gặp ở lừa, ngựa với thời gian nung bệnh rất ngắn từ 2-4 ngày và bệnh diễn biến từ 2-3 ngày. Súc vật bị bệnh thể hiện: viêm mũi chảy dịch màu xanh vàng hoặc chảy dịch có lẫn máu. Viêm mũi tiến triển rất nhanh với sự hình thành màng giả trong xoang mũi, nổi các cục nhỏ, các áp xe, các nốt loét trên niêm mạc mũi. Hạch lâm ba vùng mũi sưng to cả hai bên thành các ổ áp xe mủ rồi vỡ ra qua cả lớp da bên ngoài.

- Thể mãn tính: Thường xảy ra ở ngựa và kéo dài hàng năm, đôi khi các biểu hiện lâm sàng không rõ ràng. Bệnh chỉ được phát hiện khi làm phản ứng Mallein hoặc các phương pháp chẩn đoán miễn dịch. Ngựa bệnh thể hiện: sốt cao gián đoạn hoặc sốt không theo một quy luật nào, nhịp thở tăng, khớp chân bị sưng, viêm hạch lâm ba mãn tính và giảm trọng lượng, gầy yếu.

- Thể mũi: Luôn bắt đầu là viêm mũi với hình ảnh hai lỗ mũi đầy ắp dịch nhầy xanh vàng, trong đó có những đám tổ chức hoại tử và rớm máu. Khi ho hoặc khịt mũi, thấy ngựa bị bệnh thường chảy ra từng đám lớn dịch nhầy từ lỗ mũi.

Các nốt vàng xám vỡ loét ra và các áp xe mủ xuất hiện trên niêm mạc mũi. Các nốt loét có bờ này rộng dần tạo ra các ổ loét lớn. Nếu nốt loét được hồi phục sẽ để lại vết sẹo trên niêm mạc mũi và vách ngăn hai lỗ mũi. Cánh mũi và môi của con vật bị bệnh cũng hình thành sưng thũng, có nốt loét. Ở thể cấp tính hoặc mãn tính đều thấy hạch lâm ba ở vùng có nốt loét bị viêm. Những nốt loét này cũng thấy ở trên da, dầy lên, màu vàng và chảy dịch.

- Thể phổi: Thường phát triển chậm trong khoảng thời gian vài tháng. Ngựa bệnh giảm tăng trọng, thở khó tăng dần, ho và có thể hình thành tiếng khò khè nếu như thanh quản bị viêm. Sau đó, bệnh tích xuất hiện ở vùng quanh mũi và da.

- Thể da: Còn gọi là bệnh "Farcy" đặc thù bởi rất nhiều mụn có kích thước 1-3cm đường kính ở trên da, thường thấy ở chân, ngực và bụng. Các đám mụn sẽ vỡ loét, chảy dịch ở trên mặt da, tạo ra các ổ loét trở thành mãn tính, hình thành các cục ở trên da. Các mụn và nốt loét khác cũng xuất hiện quanh vùng hạch lâm ba tạo ra các bệnh tích giống như viêm hạch lâm ba truyền nhiễm.

Ở quanh vùng có nốt loét, tổ chức dưới da bị sưng thũng, rộng và rộng ra ở chân, đặc biệt ở chân sau.

Mổ khám vật bệnh thấy: Viêm hạch lâm ba cấp hoặc mãn tính ở vùng có các đám mụn loét, áp xe lan rộng ra, xung quanh có fibrin. Những bệnh tích này cũng thấy ở một số nội tạng như: bộ máy hô hấp, cơ quan tiêu hoá, gan, lách và dịch hoàn.

* Chẩn đoán bệnh

- Chẩn đoán lâm sàng:

Căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng đặc trưng của ngựa bệnh: các ổ viêm loét và chảy dịch vàng xanh ở mũi và ngoài da giúp cho việc chẩn đoán bệnh ban đầu.

Tuy nhiên, sau đó phải làm các xét nghiệm để xác định mầm bệnh, tránh nhầm lẫn với một số bệnh khác cũng có dấu hiệu lâm sàng giống với bệnh tỵ thư.

- Chẩn đoán bằng phản ứng Mallein: là biện pháp bắt buộc để khẳng định có phải là bệnh tỵ thư hay không.

Mallein được chuẩn bị từ vi khuẩn Pseudomonas mallei. Cách làm: nhỏ mallein vào kết mạc mắt của ngựa nghi bị mắc bệnh 2 lần trong khoảng 24 giờ. Nếu ngựa bị bệnh có các biểu hiện lâm sàng hoặc ẩn tính không rõ các biểu hiện lâm sàng thì sau 6-12 giờ đều có phản ứng viêm kết mạc cấp tính.

Người ta áp dụng phương pháp tiêm mallein vào dưới da mí mắt của ngựa 1 hoặc 2 lần trong 48 giờ. Nếu ngựa dương tính với bệnh tỵ thư thì sau khi tiêm 24-48 giờ kết mạc sẽ bị viêm cấp tính có sưng thũng mí mắt. Phản ứng này xác định được chắc chắn ngựa bị bệnh tỵ thư, kể cả trường hợp bị bệnh ẩn tính.

- Chẩn đoán phòng thí nghiệm:Mầm bệnh sẽ được phân lập bằng cách lấy chất dịch từ các ổ bệnh tiêm vào phúc mạc cho chuột lang và chuột Hamster. Sau đó theo dõi chuột, khi chuột phát bệnh thì lại lấy bệnh phẩm là phủ tạng của chuột nuôi cấy trên các môi trường.

Người ta chọn chuột đực để tiêm truyền, nếu ngựa bị bệnh tỵ thư thì chuột sẽ có phản ứng viêm dịch hoàn rất nặng. Phản ứng này được gọi là phản ứng Strauss, tên tác giả thiết lập phản ứng.

Phản ứng kết hợp bổ thể (CFT) được sử dụng trong chẩn đoán bệnh tỵ thư cho phép phát hiện được ngựa bệnh với tỷ lệ cao.

- Chẩn đoán phân biệt: Cần phân biệt với 3 bệnh có một số dấu hiệu lâm sàng giống với bệnh tỵ thư.

+ Bệnh viêm hạch lâm ba truyền nhiễm (Epizootic Lymphangitis - EL): có các nốt trên mặt da, cũng chảy dịch vàng giống như bệnh tỵ thư thể da. Nhưng để phân biệt được phải phân lập mầm bệnh và nấm Histoplasma farciminosum.

+ Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính của ngựa non: bệnh này có dấu hiệu lâm sàng giống bệnh tỵ thư thể phổi như chảy dịch mủ ở mũi, thở khó, ho và khịt mũi. Nhưng tác nhân gây bệnh là Streptococcus equi có thể phân lập được từ nuôi cấy bệnh phẩm trên môi trường.

+ Bệnh tiêm la ngựa (Dourine): Bệnh có hiện tượng viêm hạch lâm ba và viêm thũng cơ quan sinh dục giống thể bệnh tỵ thư da nhưng mầm bệnh là Trypanosoma equiperdum, có thể phát hiện được khi kiểm tra máu tươi.

* Điều trị bệnh

Hiện nay, bệnh tỵ thư ở ngựa không cho phép điều trị mà ngựa mắc bệnh phải bị giết và chôn sâu có chất sát trùng, bởi vì việc điều trị sẽ rất nguy hiểm, mầm bệnh có thể lây sang ngựa khoẻ và lây sang người.

* Phòng bệnh

- Ở các vùng dịch tễ có lưu hành bệnh tỵ thư, người ta phải kiểm tra đàn ngựa bằng phản ứng Mallein theo định kỳ 2 lần/năm. Ngựa mang trùng và ẩn tính đều phải xử lý theo quy định (tiêu diệt).

- Khi xuất nhập khẩu ngựa cần kiểm tra nghiêm ngặt đàn ngựa bằng phản ứng Mallein để loại bỏ ngựa bệnh và mang trùng.

- Thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y trong cơ sở nuôi ngựa, lừa.