00:00 Số lượt truy cập: 2672899

Bệnh ung khí thán của trâu, bò 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh ung khí thán là một bệnh truyền nhiễm cấp tính của trâu, bò, bệnh này có tính chất địa phương, do trực khuẩn yếm khí Clostridium chauvoei và một số trực khuẩn yếm khí khác (Cl.septicum, Cl.perfringens), thể hiện triệu chứng và bệnh tích điển hình: sưng bắp thịt có khí, gọi là "ung khí thán".


Bệnh có ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước nhiệt đới châu Á và châu Phi. Ở nước ta, bệnh thường xảy ra ở các tỉnh thuộc Nam Trung Bộ, Bình Định (năm 1926, 1939, 1952), PlâyKu, Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Khánh Hoà, Phú Yên, Đồng Nai, Ninh Thuận, Nha Trang (1939), Hà Nội, Bắc Giang (năm 1921), Thái Bình (năm 1951).

1. Chẩn đoán bệnh

* Chẩn đoán lâm sàng và lưu hành bệnh học:

Bệnh thường xảy ra ở các ổ dịch cũ, bị ô nhiễm nha bào ung khí thán. Về triệu chứng lâm sàng, trâu, bò bị bệnh thể hiện các ung lớn ở các bắp thịt và sinh hơi, ấn vào thấy lạo xạo. Ta cần phân biệt với hai bệnh:

- Bệnh tụ huyết trùng trâu, bò: Cũng có sưng hầu và hạch trước vai rất lớn, nhưng không sinh khí. Nơi sưng nóng thuỷ thũng, ấn tay vào có vết, không thấy lạo xạo. Con vật thở khó do hầu bị sưng to, thè lưỡi ra ngoài. Mổ khám súc vật bị bệnh thấy tụ huyết nặng ở hạch và các khí quan khác, bắp thịt thấm tương dịch, có màu tím hồng.

- Bệnh nhiệt thán: Sốt rất cao (41-420C), cũng có ung nhiệt thán ở cổ, họng, ngực, bụng, nhưng chỗ sưng cứng nóng đau, không sinh hơi, ít thuỷ thũng, sau có vỡ loét ra, đáy vết loét sâu có màu tím đen. Con vật sau khi chết lòi dom; lè lưỡi và có rỉ máu, máu tím sẫm không đông hoặc khó đông, lá lách sưng to 2-4 lần, nát như bùn, tim đen.

* Chẩn đoán vi khuẩn học:

- Có thể kiểm tra dịch ở trong khối ung, phát hiện được vi khuẩn và nha bào dưới kính hiển vi.

Cấy dịch trong khối ung vào môi trường yếm khí và vi khuẩn sẽ phát triển, sinh hơi, có di động.

- Tiêm huyết dịch bệnh phẩm vào bắp thịt chuột lang. Sau 2-3 ngày, chuột sẽ chết và bắp thịt có thuỷ thũng, tụ huyết, kiểm tra sẽ thấy vi khuẩn dưới kính hiển vi.

* Chẩn đoán miễn dịch:

ng dụng các phương pháp IFAT, ELISA, AGID để chẩn đoán cho độ chính xác cao và phát hiện bệnh sớm.

2. Điều trị bệnh

Điều trị bằng kháng nguyên huyết thanh ung khí thán:

Kháng huyết thanh chế từ bò hoặc ngựa dùng liều như sau:

- Mỗi ngày tiêm cho trâu, bò 150-200ml vào tĩnh mạch hay bắp thịt, chia làm 2 lần, cách nhau 12 giờ một lần tiêm.

- Bê, nghé dùng liều bằng 1/3-1/2 liều của trâu, bò.

Điều trị bằng kháng sinh:

a) Penicilin: có tác dụng đặc hiệu với vi khuẩn Cl. chauvoei, Cl. septicum, Cl. perfringens và Cl. oedematien.

Dùng theo liều 30.000 UI/kg thể trọng gia súc/ngày.

Trâu, bò, ngựa có trọng lượng 300kg dùng liều như sau:

Ngày thứ nhất:3-4,5 triệu đơn vị

Ngày thứ hai:2-3 triệu đơn vị

Ngày thứ ba:2 triệu đơn vị

Ngày thứ tư:2 triệu đơn vị

Mỗi ngày chia liều thuốc làm 3 lần tiêm, tiêm cách 6-8 giờ một lần; tiêm vào bắp thịt.

b) Oxytetracyclin: Có thể dùng loại tiêm hoặc loại cho uống.

Ngày thứ nhất: 50 mg/kg thể trọng

Ngày thứ hai: 50 mg/kg thể trọng

Ngày thứ ba: 40 mg/kg thể trọng

Ngày thứ tư: 40 mg/kg thể trọng

- Dùng phối hợp với các loại thuốc trợ sức: tiêm cafein, vitamin B1, vitamin C.

c) Septifur (Hanflor, Navet-cel, RTD Septicus)

Liều dùng: 1ml/15kg thể trọng súc vật/ngày. Liệu trình cứ 2 ngày tiêm 1 lần, điều trị 6-8 ngày.

Dùng phối hợp với các thuốc thuốc trợ sức: tiêm cafein, vitamin B1, vitamin C.

3. Phòng bệnh

- Dùng kháng huyết thanh phòng bệnh:

Ở những địa phương đã xảy ra dịch, ta có thể dùng kháng huyết thanh cho đàn trâu, bò theo liều 10-30ml, sau đó tiêm vắcxin (5 ngày sau).

- Dùng vắcxin phòng bệnh:

Người ta dùng vắcxin chế bằng canh trùng ung khí thán nuôi cấy 24-48 giờ, xử lý bằng formol 5%, cho thêm keo phèn theo tỷ lệ 10%.

Liều dùng: Tiêm dưới da cho trâu, bò 5ml, bê, nghé 2ml. Tổ chức tiêm cho toàn đàn trâu, bò ở các ổ dịch cũ và xung quanh ổ dịch. Sau khi tiêm, trâu, bò miễn dịch được 12 tháng.

- Súc vật chếtdo bệnh ung khí thán có thể hình thành nha bào nên phải chôn sâu 2m có cho vôi bột để diệt khuẩn.

- Không chăn thả trâu, bò và cắt cỏ cho trâu, bò tại những nơi có trâu, bò chết do bệnh ung khí thán và những bãi chăn thả đã bị ô nhiễm (có nha bào ung khí thán).

- Khi có dịch xảy raphải triệt để chấp hành quyết định công bố dịch và quy định của pháp luật về thú y: không vận chuyển và mổ thịt súc vật để tránh lây lan dịch.

- Kịp thời phát hiện trâu, bò ốm để cách ly điều trị.

- Thực hiện tổng vệ sinh chuồng trại, nhất là chuồng đã có gia súc ốm, dùng dung dịch sát trùng để tẩy uế chuồng trại như: Cresyl-2%, axit phênic-3%, nước vôi 10%, Iodin 1%..

- Công bố hết dịch, bãi bỏ vùng có dịch:14 ngày sau khi con vật ốm cuối cùng khỏi bệnh hoặc chết và sau khi tiến hành các biện pháp vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực có dịch bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y./.